Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 đã tạo dựng cơ sở pháp lý để xây dựng và phát triển giáo dục. Trên cơ sở của Luật, nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng, ban hành nhằm phát triển và quản lý giáo dục- đào tạo. Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã chỉ đạo phổ biến, triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tới toàn thể nhân dân. Từ đó, tác động tích cực đến cán bộ, công chức, người học và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, tạo điều kiện cho người dân được quyền học tập và học tập suốt đời.
Trong quá trình triển khai thi hành Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn tồn tại không ít hạn chế, bất cập, về: cơ chế quản lý; chương trình giáo dục; tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá; thu hút nguồn lực chất lượng cao; điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục; hệ thống văn bản dưới luật chưa thật sự phù hợp (chẳng hạn, Nghị định 115/NĐ - CP ngày 24.12.2010 quy định trách nhiệm của Trưởng phòng giáo dục- đào tạo nhưng không có địa phương nào thực hiện); chế độ chính sách với giáo viên được nêu trong Luật còn chung chung... Đặc biệt, hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo có nhiều điểm không phù hợp từ cấp mầm non lên tới cao đẳng, đại học. Các trường mầm non tương đối ổn định nhưng còn thiếu nhân sự, cơ sở vật chất. Hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm học tập cộng đồng về chủ trương thì hoàn toàn đúng nhưng hoạt động thiếu chuyên nghiệp, không hiệu quả. Hệ thống trường đại học, cao đẳng phân tán nguồn lực, chất lượng chưa cao, tuyển sinh vì sự tồn tại của trường chứ không thực sự coi trọng quyền lợi của người học và thị trường lao động.
Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định kiến nghị Quốc hội và các cấp có thẩm quyền: rà soát cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, không để tồn tại hệ thống chồng chéo; quy hoạch theo khung trình độ quốc gia. Riêng các trường sư phạm cần có quy hoạch trọng điểm, dự báo nguồn nhân lực và cơ chế tuyển sinh riêng. Quan tâm hơn nữa đến hệ thống trường chuyên biệt, trường năng khiếu. Xem xét, có quy định cụ thể về tiêu chuẩn đầu ra với từng loại hình đào tạo, có chu kỳ đánh giá chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề, giáo dục đại học thông qua các đơn vị sử dụng lao động. Rà soát tiêu chuẩn đối với giáo viên, giảng viên. Việc áp dụng cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục, nhất là với các trường đại học cần có điều kiện chặt chẽ, lường trước tiêu cực, lãng phí có thể xảy ra. Chế độ ưu đãi đối với ngành giáo dục, vấn đề huy động xã hội hóa cho giáo dục cũng cần cụ thể hơn.
+ Trước đó, trong chương trình giám sát về thi hành Luật Giáo dục tại Nam Định, Đoàn công tác đã làm việc với Trường Đại học Lương Thế Vinh. Trường ngoài công lập này ra đời mang sứ mệnh là cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa hệ, đa trình độ, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao và trung tâm nghiên cứu khoa học của khu vực châu thổ sông Hồng và cả nước. Sau giai đoạn 2003 - 2010 hoạt động tương đối hiệu quả, vài năm trở lại đây nhà trường rơi vào tình trạng điêu đứng. Trước rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong đầu tư cơ sở vật chất, tuyển sinh, đào tạo, Nhà trường kiến nghị Nhà nước cần nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chính sách đối với trường đại học ngoài công lập như: thuế, vay lãi tín dụng với lãi suất ưu đãi, chính sách tuyển dụng công chức, viên chức bảo đảm minh bạch, bình đẳng, tăng cường vai trò quản lý nhà trường của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập…