Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án vị trí việc làm của Viện kiểm sát nhân dân

11/08/2017

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, chiều ngày 11 tháng 8 năm 2017, tại Phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Đề án vị trí việc làm của Viện kiểm sát nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án vị trí việc làm của Viện kiểm sát nhân dân        Ảnh: Đình Nam

Tham dự phiên họp có: các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo một số Bộ, ngành ở Trung ương, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Tại phiên họp, thừa ủy quyền Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trình bày Tờ trình về Đề án vị trí việc làm của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong nêu rõ: Đề án vị trí việc làm của Viện kiểm sát nhân dân được xây dựng trên cơ sở thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cải cách tư pháp; theo quy định của Hiến pháp năm 2013, các đạo luật về tư pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định về tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, thẩm quyền tăng thêm của VKSND; thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ- CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập và các hướng dẫn của Bộ Nội vụ về xác định vị trí việc làm.

Đồng thời, Đề án cũng căn cứ trên cơ sở thực trạng tổ chức, biên chế của VKSND; tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm hiện nay và yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp gắn với yêu cầu bảo đảm tổ chức bộ máy VKSND các cấp tinh gọn, hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của ngành Kiểm sát nhân dân.

Theo Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), việc xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trong ngành Kiểm sát nhân dân được xây dựng trong 2 Đề án, gồm: Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong ngành Kiểm sát nhân dânĐề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. VKSNDTC đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt để VKSNDTC làm căn cứ xây dựng Đề án “Tổ chức, biên chế của Viện kiểm sát nhân dân đến năm 2020 bảo đảm theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014”.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đề nghị cho ngành Kiểm sát nhân dân khi thực hiện tinh giản biên chế, đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% tổng biên chế, đồng thời được sử dụng 10% biên chế (đã được tinh giản) để tuyển dụng công chức có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành theo luật định. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc giao biên chế, cơ cấu lại các ngạch công chức của ngành Kiểm sát nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án vị trí việc làm của VKSND

Trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án vị trí việc làm của Viện kiểm sát nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp (UBTP) cơ bản tán thành với sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án đồng thời, đề nghị cần bổ sung căn cứ vào Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để bảo đảm xác định đúng số lượng vị trí việc làm cũng như tính đặc thù và những điều kiện, yêu cầu về năng lực, kỹ năng cần thiết nhằm thực hiện có hiệu quả các công việc theo từng vị trí việc làm.

UBTP đề nghị Đề án chỉ tập trung xác định vị trí việc làm, tiêu chuẩn ngạch công chức tương ứng với từng vị trí việc làm, không đề cập đến nội dung phê duyệt biên chế và số lượng kiểm sát viên, điều tra viên các ngạch, cán bộ điều tra. Để bảo đảm chất lượng của Đề án, UBTP cho rằng VKSNDTC cần bổ sung, giải trình thêm các nội dung như các yếu tố đặc thù ảnh hưởng đến việc xác định vị trí, việc làm, tiêu chuẩn và ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm của VKSND các cấp; đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động tại VKSND các cấp; mô tả công việc của vị trí việc làm tại VKSND cấp cao, cấp tỉnh và cấp huyện để từ đó xác định tính hợp lý và khung năng lực của từng vị trí việc làm tại các cấp VKSND; việc xác định ngạch công chức tương ứng với từng vị trí việc làm còn chưa thực sự cụ thể. Đề nghị VKSNDTC trên cơ sở thực hiện các yêu cầu về phương pháp xác định vị trí việc làm đã được pháp luật quy định, rà soát lại các vị trí việc làm, xác định cụ thể những vị trí việc làm do một người đảm nhận, những vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận và những vị trí việc làm kiêm nhiệm để bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, đơn vị, tránh sự chồng chéo khi phân công công việc, khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến phát biểu của UBTVQH cho rằng Đề án vị trí việc làm đã được VKSNDTC chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bám sát các văn kiện, nghị quyết của Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, các quy định của pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Tán thành với báo cáo thẩm tra của UBTP, một số ý kiến cho rằng Đề án không nên đề cập đến nội dung phê duyệt biên chế mà tập trung xác định vị trí việc làm, tiêu chuẩn ngạch công chức tương ứng với từng vị trí việc làm theo đúng yêu cầu. Đồng thời, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của UBTVQH, VKSNDTC phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn thiện Đề án vị trí việc làm của Viện kiểm sát nhân dân để báo cáo Bộ Chính trị.

Một số ý kiến đề nghị, ngành Kiểm sát cần kiên quyết, chủ động thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 39- NQ/TW năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế, theo đó, đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% tổng biên chế. Có ý kiến đề nghị, VKSNDTC cần tiếp tục rà soát các nội dung về vị trí việc làm trên cơ sở đó đề xuất số lượng biên chế vừa thực hiện tinh giản biên chế vừa đáp ứng nhu cầu công việc; đề nghị giải trình làm rõ những vấn đề mà cơ quan thẩm tra đã nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc xây dựng Đề án và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc Uông Chu Lưu đề nghị VKSNDTC tách hai nội dung về vị trí việc làm và số lượng biên chế, cơ cấu ngạch công chức thành hai đề án. Trên cơ sở yêu cầu của việc xây dựng Đề án là nhằm xác định đúng số lượng vị trí việc làm và sau khi được phê duyệt thì trên cơ sở đó xác định số lượng biên chế cần thiết cho mỗi vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức tương ứng.

Về quy trình phê duyệt đề án, tương tự như việc xem xét Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân và Đề án vị trí việc làm của Kiểm toán nhà nước, trên cơ sở ý kiến lần đầu của UBTVQH, VKSNDTC về hoàn thiện lại đề án để trình xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. UBTVQH sẽ quyết định việc phê duyệt, thông qua Đề án sau khi được Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo.

Về nội dung cụ thể của Đề án, đề nghị thực hiện đúng theo quy định của pháp luật đối với nội dung về ngạch công chức trong vị trí việc làm; về số lượng biên chế đề nghị thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 39- NQ/TW năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế, lưu ý trong trường hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị VKSNDTC tiếp tục phối hợp thảo luận với Ủy ban Tư pháp, trên cơ sở ý kiến của UBTVQH tiếp thu hoàn chỉnh thêm Đề án để sớm báo cáo các cấp có thẩm quyền.

+  Chiều cùng ngày, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét biểu quyết thông qua quyết định thành lập Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa với 100% Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

+ Thứ hai- 14/8, buổi sáng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và dự án Luật Thủy sản (sửa đổi); buổi chiều, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Bảo Yến