Trình bày Tờ trình về việc thành lập Tòa án nhân dân thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; căn cứ Nghị quyết số 386/NQ- UBTVQH14 ngày 19/4/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập các phường Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa, Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa án nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Để bảo đảm ổn định, đi vào hoạt động sau khi được thành lập,Tòa án nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa sẽ kế thừa toàn bộ số lượng biên chế, đội ngũ công chức, Thẩm phán và trụ sở, cơ sở vật chất, các phương tiện làm việc của Tòa án nhân dân thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện nay.
Trình bày Tờ trình về việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, thực hiện Nghị quyết số 368/NQ- UBTVQH14 ngày 19/4/2017 Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Sầm Sơn trên cơ sở thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, căn cứ Điều 49 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kính trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết nghị thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn trên cơ sở Viện kiểm sát nhân dân thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa theo quy định. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn khi được thành lập là một đôn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Biên chế của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn được kế thừa trên cơ sở số lượng biên chế của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Sầm Sơn đã được phân bổ.
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra
Báo cáo tóm tắt thẩm tra Tờ trình của Chánh án tòa án nhân dân tối cao và Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao của Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhận thấy hồ sơ của Toàn án nhân dân tối cao gồm có Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; hồ sơ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có Tờ trình của Viện trưởng Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo về tình hình tổ chức bộ máy, biên chế, trụ sở và cơ sở vật chất cho việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hôi, đủ điều kiện để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lậpTòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Ủy ban Tư pháp tán thành với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phương án biên chế, tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn. Theo đó, trước mắt sau khi được thành lập, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa sẽ kế thừa toàn bộ số lượng biên chế, tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm khác như: trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Sầm Sơn hiện nay. Như vậy, sau khi được thành lập, các đơn vị này sẽ đủ điều kiện và bảo đảm hoạt động được ngay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp
Tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua việc thành lập Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa với 100% Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng giao Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cáo tiếp tục hoàn thiện các văn bản về mặt kỹ thuật trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết.