Theo đó, Quốc hội quyết nghị dừng thực hiện Nghị quyết số 41 ngày 25 tháng 11 năm 2009 của Quốc hội khóa XII về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Quốc hội giao Chính phủ thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện vào kỳ họp thứ 4 năm 2017; Chú trọng phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường để cung ứng đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực về điện hạt nhân đã, đang đào tạo và cơ sở hạ tầng đã đầu tư; tập trung tuyên truyền, thông tin để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương chịu ảnh hưởng của việc quy hoạch và triển khai chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Trước đó cách đây 7 năm, Quốc hội đồng ý với chủ trương xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 có công suất lắp đặt mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW.