Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về những chủ trương, đề án đổi mới giáo dục kém hiệu quả

16/11/2016

Sáng 16/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, nhiều đại biểu yêu cầu Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của mình với những chủ trương, đề án đổi mới giáo dục không khả thi trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo                     Ảnh: Đình Nam

Chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh- TP Hà Nội cho biết, đề án này được đề ra với tổng kinh phí rất lớn, gần 9 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, sau gần 8 năm thực hiện, Đề án này vẫn chưa đạt được mục tiêu như mong muốn. Đại biểu băn khoăn, liệu đến năm 2020 dự án này có đạt được mục tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra hay không? Ngoài ra, đối với Thông tư 01/2014/TT- BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, đại biểu Dương Minh Ánh băn khoăn, quy định của Thông tư có tạo ra nghịch lý khi đòi hỏi trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên cao hơn giảng viên, giáo viên?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm về việc triển khai không hiệu quả đề án Đề án Dạy và học ngoại ngữ; đồng thời thẳng thắn khẳng định cho tới năm 2020, đề án này cũng chưa thể đạt được mục tiêu đã vạch ra.

Giải thích về sự chậm trễ này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lâu dài, cần phải có thời gian và chi phí rất lớn. Khi xây dựng đề án, Bộ đã cố gắng đưa ra một lộ trình với quyết tâm cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp nhiều bất cập về thời gian, kinh phí, năng lực của giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn, chương trình học chưa được biên soạn một cách thống nhất, phương thức giảng dạy chưa thật sự phù hợp… Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục những hiện trạng trên.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Để hoàn thành được những mục tiêu đã đề ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát để điều chỉnh lại cách tiếp cận của Đề án. Theo đó, Đề án sẽ chỉ tập trung vào một số nhóm đối tượng; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ; thiết kế thống nhất lại các chương trình, nội dung, phương pháp dạy học; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa dạy, học ngoại ngữ… Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh, việc dạy và học ngoại ngữ có tính chất lâu dài và liên quan đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Do đó, để đề án này hoàn thành được mục tiêu, cần có sự phối hợp của một số bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính và sự nỗ lực tối đa của người thầy và người trò.

Quan tâm tới vấn đề kinh phí của đề án này, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt- tỉnh Gia Lai cho rằng, với kinh phí hơn 9.000 tỷ, có thể nói đây là một đại dự án mà sau 8 năm không đạt được mục tiêu. Đại biểu băn khoăn, chỉ còn 4 năm nữa là kết thúc dự án, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có biện pháp gì để tránh lãng phí ngân sách, cũng như rút ra bài học gì để các dự án tiếp theo không lặp lại như dự án này.

Giải đáp băn khoăn về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tổng kinh phí của đề án là hơn 9.000 tỷ, nhưng đến nay mới chỉ sử dụng hơn 3.000 tỷ, các địa phương chi khoảng 1.600 tỷ. Khi phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai đề án, Bộ đã ngay lập tức điều chỉnh theo hướng sử dụng ít tiền hơn, không tiếp tục đầu tư, mua sắm các trang thiết bị đắt tiền, thay vào đó là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đầu tư xây dựng chương trình học.

Liên quan đến đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn- tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ lý do vì sao thời gian qua Bộ triển khai nhiều đề án, dự án giáo dục nhưng hầu như đều chậm trễ, không hiệu quả, không đạt mục tiêu đề ra như đề án dạy và học ngoại ngữ mà nhiều đại biểu đã đề cập. Trong khi đó dự án mô hình trường học VNEN đang trong quá trình thử nghiệm, thí điểm, cần có bước đi vững chắc thì Bộ lại áp dụng, triển khai vội vàng.

Đối với vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, mô hình trường học VNEN là một mô hình tổ chức đào tạo tốt, đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công.  Khi áp dụng vào Việt Nam, đã có tỉnh đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận việc áp dụng mô hình này khá rộng rãi, đại trà, trong khi không phải tỉnh nào, trường nào cũng có điều kiện phù hợp để áp dụng. Nhận thấy vấn đề trên, Bộ đã rút kinh nghiệm ngay và có văn bản chỉ đạo kịp thời tới các địa phương. Theo đó, địa phương nào không đủ điều kiện thì chỉ áp dụng những điểm tích cực trên tinh thần đổi mới.

Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo

Phản ánh về việc nhiều đề án, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có tính khả thi, đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng- tỉnh Phú Thọ băn khoăn, thời gian qua liệu có phải vì áp lực về việc đổi mới sâu sắc và toàn diện về giáo dục mà Bộ đã vội vã đưa ra một số chủ trương, đề án gây nhiều tranh cãi. Trong đó có Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, nay thay bằng Thông tư 22; áp dụng mô hình học VNEN; thay đổi liên tục phương thức thi giáo dục phổ thông quốc gia trong mấy năm qua, gây lung túng cho phụ huynh, học sinh và cả một bộ phận giáo viên trong việc ôn tập cho học sinh. Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng xem xét trách nhiệm của mình để có giải pháp tránh giật cục trong việc đổi mới nền giáo dục trong thời gian tới?

Trả lời đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đổi mới giáo dục là quá trình lâu dài, cần có lộ trình và  phải được từng bước hoàn thiện. Bộ trưởng khẳng định, nếu bây giờ việc gì cũng phải chắc chắn thì mới làm thì không thể nào đổi mới. Trên cơ sở đó, những việc làm tốt thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phát huy, những việc chưa làm được thì Bộ sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt thêm.

Thu Phương- Minh Hương