Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng chât vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Ảnh: Đình Nam
Tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng- tỉnh Vĩnh Long, Ngô Đức Mạnh- tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Văn Hiển- tỉnh Lâm Đồng; Cao Văn Trọng- tỉnh Bến Tre; Nguyễn Văn Thể- tỉnh Sóc Trăng nêu thực trạng, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến sớm hơn dự kiến, vừa qua hạn hán hay xâm nhập mặn và sụt lún, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sinh kế và cuộc sống của người dân. Các đại biểu hỏi Bộ trưởng kịch bản đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chú ý đến vấn đề sụt lún hay chưa; giải pháp và nguồn lực đối phó với hiện tượng này trước mắt cũng như lâu dài.
Kịch bản đối phó với biến đổi khí hậu sẽ chú ý vấn đề sụt lún
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay Bộ được Chính phủ giao thực hiện đề án về quan trắc quá trình sụt lún ở Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long. Kịch bản biến đổi khí hậu được tính toán dựa trên mực nước biển dâng và trong năm vừa qua sau khi chúng đã có kết quả ban đầu trên cơ sở đánh giá theo vùng độ sụt lún, cục bộ của từng vùng. Trong kịch bản chống biến đổi khí hậu gần đây nhất, đã cố gắng tích hợp quá trình sụt lún ít nhất có thể do các quá trình kiến tạo của địa chất.
Bộ trưởng nêu rõ, kịch bản biến đổi khí hậu được công bố năm 2016 đã được cập nhật thêm vấn đề sụt lún. Tuy nhiên, vấn đề sụt lún này cần phải được tính toán và cần phải nghiên cứu đánh giá kỹ và theo dõi trong thời gian đủ dài để đánh giá được quy luật, do nhân sinh, do tác động của vấn đề khai thác quá mực nước ngầm hay do quá trình kiến tạo của trái đất, hay do quá trình sức nén của quá trình phát triển đô thị lên bề mặt trái đất. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thực hiện đề án và quan trắc độ sụt lún này trong một thời gian đủ dài để công bố kết quả.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết: hiện nay, đối với đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã có kế hoạch mang tính chất tổng quan giữa các dự án, mang tính chất không trì hoãn, không hối tiếc, bao gồm phi công trình và công trình. Đối với Dự án thích ứng biến đổi khí hậu và sinh kế đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng thế giới hoặc các dự án trong danh mục Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình lên Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng cho rằng, dù ở kế hoạch hay ở dự án Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đều tiếp cận cả phi công trình và công trình. Đặc biệt, đối với đồng bằng sông Cửu Long thì giải pháp phi công trình là đặc biệt quan trọng. Nó tính toán đến hiệu quả khi thực hiện các giải pháp công trình. Vì các giải pháp công trình khi có kế hoạch đúng, tốt thì nó sẽ nhân giá trị lên, đặc biệt phải lấy tiêu chí cho đến lúc chưa rõ liệu có hiệu quả hay không thì nó phải đáp ứng không hối tiếc. Nghĩa là đã đầu tư thì phải mang lại những lợi ích tổng hợp và đa mục tiêu. Nếu làm tốt mối quan hệ chia sẻ lợi ích tài nguyên nước với các quốc gia ở thượng nguồn, đây là giải pháp ngoại giao nhưng cực kỳ quan trọng.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng cho hay, giải pháp thứ hai là giải pháp tính toán quy hoạch tổng thể kinh tế- xã hội dựa trên chống biến đổi khí hậu và dựa trên tác động kép biến đổi khí hậu và tác động của nước thượng nguồn và những hoạt động chưa bền vững, đấy cũng là phi công trình nhưng rất có giá trị.
Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu cho từng vùng
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển- tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ trưởng cho biết có giải pháp cụ thể nào cho từng vùng, nhất là vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng, bền vững và chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội
Giải trình về điều này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, vấn đề này Đảng, Nhà nước đã quan tâm, đại biểu nếu nghiên cứu Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, trong đó nhấn mạnh những ưu tiên, quan điểm, phương pháp xử lý và đặc biệt xác định giải pháp cho từng vùng rất cụ thể như: đồng bằng sông Cửu Long hoặc các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh chủ trương rõ ràng như vậy, Chính phủ đã huy động các tổ chức, các quốc gia khác tham gia như Hà Lan, đã xây dựng được một kế hoạch châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đã tính toán đến nhân tai bao gồm các tác động từ ngoài biên giới cho đến các vấn đề quy hoạch chưa tiếp cận được với các vấn đề biến đổi khí hậu, do cách thức quản lý còn xung đột. Đấy cũng là một vấn đề tồn tại do tác động của biến đổi khí hậu dựa trên kịch bản tính toán, trong đó đã có những thay đổi rất cơ bản đối với vấn đề phát triển của đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai, trong đó xác định vùng thượng và trung nguồn. Vùng này sẽ giải quyết vấn đề chống lại do ngập lụt, cũng như quản lý nước và tích nước. Hoặc vùng trung tâm của đồng bằng sẽ phát triển về công nghiệp, đô thị và vùng này sẽ đảm bảo nguồn nước. Vùng ven biển tập trung phát triển nền kinh tế nước mặn. Ở đây sẽ tiếp cận theo 3 hướng, hệ sinh thái kinh tế nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Điều này nếu tiếp cận đồng bằng sông Cửu Long với cái nhìn một cách toàn diện của vùng và dưới giải pháp đó hoàn toàn có thể giải quyết được. Chính phủ đã bắt đầu có tính toán đến vấn đề tái cấu trúc về nông nghiệp, đổi mới nông nghiệp, vấn đề quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai cũng cần phải dựa trên tính toán của kế hoạch này.
Đối với Nam Trung Bộ, trong thời gian vừa qua, chưa được nghiên cứu, đánh giá thật kỹ, nhưng trong Nghị quyết 24 và trong các kế hoạch hành động được đề ra rõ ràng ở khu vực này Chính phủ đang ưu tiên phục hồi lại hệ sinh thái rừng ngập mặn để chống các hiện tượng xâm thực và chống bão lụt.
Thứ hai, Bộ trường cho biết, đây là một vùng về nguy cơ thiếu nước, hạn hán. Bởi vậy, cũng sẽ quan tâm đến vấn đề quy hoạch và phát triển nguồn tài nguyên nước thông qua việc xây dựng các hồ và đồng thời chúng ta cũng thay đổi kinh tế ở vùng để thích ứng được với quá trình này. Ở khu vực Tây Nguyên, rõ ràng hiện nay Tây Nguyên đang đứng trước một tình trạng hoàn toàn thiếu nước do hoạt động phát triển kinh tế của chúng ta chưa bền vững, đồng thời do tác động của biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông báo, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định quan trọng, đó là đóng cửa rừng tự nhiên, phát triển rừng tự nhiên. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ dựa trên cơ chế trồng rừng, phục hồi rừng và phát triển rừng. Thông qua việc tạo ra nơi hấp thụ nhà kính sẽ trao đổi tín chỉ cacbon. Bộ trưởng cho rằng, đây cũng là một việc sắp tới tính đến sinh kế cho những người bảo vệ rừng và trồng rừng tự nhiên của Tây Nguyên, đồng thời cũng phải tính toán để quy hoạch lại, xem xét, đánh giá và quan trắc thật kỹ nguồn nước ngầm để đảm bảo có thể duy trì một cách bền vững và lâu dài. Đồng thời, cũng tính toán đến hồ nhân tạo để trữ nước ở đây. Đó là những vấn đề trong tương lai và đặc biệt ở đây kinh tế phải chú ý đến công nghệ cao. Bởi vậy, Tây Nguyên phải ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm và tưới một cách hiệu quả nhất, đồng thời các ngành kinh tế tham gia ở Tây Nguyên cũng phải tính đến ngành kinh tế với nông nghiệp sản xuất công nghệ cao.