Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh- tỉnh Hòa Bình chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Ảnh: Đình Nam
Là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh- tỉnh Hoà Bình đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh làm rõ hơn những sai phạm trong quản lý, điều hành các hoạt động, đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước; đề nghị Bộ trưởng có những kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để khắc phục những bất cập trên, không để lặp lại tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” như trong thời gian vừa qua.
Nhiều dự án không còn hiệu quả về kinh tế, không đủ điều kiện để cạnh tranh
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, 5 dự án thua lỗ, tồn đọng và còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện là những dự án được xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư và thực hiện hoạt động đầu tư từ những năm 2003- năm 2008 và kéo dài cho đến nay. Các dự án này được thực hiện trong nhiều lĩnh vực như xơ sợi phục vụ công nghiệp dệt may, đạm, phân bón, lĩnh vực xăng ethanol, gang thép... và đều kéo dài so với thời hạn đã được thẩm định, phê duyệt. Cá biệt như dự án đạm Ninh Bình không những kéo dài trong quá trình đầu tư mà cho đến nay không quyết toán được đầu tư mặc dù nhà máy đã đi vào vận hành.
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thị trường nguyên nhiên liệu cũng như thị trường hàng hóa nói chung trên thế giới đã có những biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và tính khả thi của dự án. Cùng với đó, năng lực trong việc tổ chức, đàm phán, ký kết và quản lý các hợp đồng; sự hạn chế của nguồn nhân lực và những điều kiện khác dẫn đến các dự án này bị kéo dài. Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án có nhiều vướng mắc lớn, thậm chí liên quan đến các nhà thầu nước ngoài đã đòi hỏi phải có sự can thiệp, tham dự của các bộ quản lý, của các cơ quan quản lý của nhà nước ở các cấp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận rằng, tính cho đến nay, các dự án từ gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ, Ethanol, xăng sinh học, cũng như đạm Ninh Bình... đều có những tồn tại, vướng mắc và không còn hiệu quả về kinh tế. Nếu các dự án đó đưa vào triển khai thực hiện, vận hành thương mại thì cũng không có đủ điều kiện để cạnh tranh. Thậm chí một số dự án doanh thu không bù đủ cho bên phí.
Đảm bảo mục tiêu bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước trong các dự án
Về một số giải pháp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thứ nhất, các giải pháp cho các dự án này cần phải được nghiên cứu, xem xét một cách toàn diện, tổng thể, phù hợp với khuôn khổ quy định của pháp lý cũng như những nguyên tắc của kinh tế thị trường; phải đảm bảo được mục tiêu bảo vệ những lợi ích tài sản, lợi ích của Nhà nước, cũng như của các doanh nghiệp Nhà nước trong các dự án này.
Thứ hai, những giải pháp phải dựa trên nguyên tắc của kinh tế thị trường, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thị trường và của hội nhập quốc tế, phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế. Thứ ba, phải xem xét để làm rõ trách nhiệm và có hướng khắc phục một cách triệt để thông qua những quy định chung của pháp lý bao gồm: từ bán dự án, cho thuê hoặc tiếp tục có những phối hợp để cổ phần hóa hoặc giao lại trách nhiệm cho những doanh nghiệp để cùng khai thác hoặc tiếp tục hoàn chỉnh dự án để khai thác. Thậm chí có thể phải tuyên bố phá sản.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo cho các bộ, ngành phối hợp, đánh giá toàn diện và đồng thời báo cáo với Chính phủ về vấn đề này. Cụ thể, dự án gang thép Thái Nguyên, dự án xơ sợi Đình Vũ, các dự án về xăng sinh học, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành đều đã có nghiên cứu, báo cáo giải trình cho Chính phủ; đã đề xuất một số giải pháp, biện pháp cụ thể.
Đồng thời, phải xem xét xử lý trách nhiệm cũng như bài học kinh nghiệm rút ra, đảm bảo không để tái diễn cũng như xảy ra tình trạng tương tự. Trước hết, về trách nhiệm, phải làm cẩn trọng và đánh giá đúng, đầy đủ theo quy định chung của pháp lý. Từng giai đoạn khác nhau đều có khung pháp lý có sự điều chỉnh và thay đổi. Vì vậy, cần đánh giá đúng vào những giai đoạn cụ thể để xem xét rõ trách nhiệm của các cấp, kể cả quản lý nhà nước cũng như của các doanh nghiệp, các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, của các tổ chức và cá nhân. Bên cạnh đó, phải phân định, làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan, những nguyên nhân có sự vô tình hay cố tình, chủ ý. Đặc biệt, nếu cố tình làm sai chắc chắn sẽ bị xét xử, xem xét với trách nhiệm hình sự- Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.
Hoàn thiện, đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với kinh tế thị trường
Từ những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề nghị cần rút ra một số bài học như: Thứ nhất, đối với quản lý của các doanh nghiệp nhà nước, cần đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các nguồn vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp của nhà nước.
Thứ hai, phải xác định làm rõ trong khung pháp lý cũng như chủ trương phát triển, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực về kinh tế- xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Quan điểm không phải trong tất cả mọi lĩnh vực nhà nước đều phải có vai trò, tiếp tục tạo ra cơ hội thị trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh cho tất cả các thành phần kinh tế khác trên cơ sở tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh và sản xuất bình đẳng, công khai, minh bạch và kiểm soát để đảm bảo khai thác được các nguồn lực sản xuất và tạo điều kiện cho các nguồn lực sản xuất, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Thứ ba, vai trò của các bộ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, đặc biệt thông qua các quy hoạch về ngành, chiến lược phát triển cần phải được xem xét làm rõ cũng như đổi mới về phương thức quản lý cũng như chất lượng của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Những vấn đề lớn liên quan đến mô hình, cách thức làm, tổ chức làm và chất lượng của đội ngũ nhân lực để xây dựng các quy hoạch, các chiến lược về tổ chức quản lý các chiến lược này, đảm bảo phát triển bền vững của nhà nước.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện và đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước theo hướng doanh nghiệp hiện đại phù hợp với kinh tế thị trường, phù hợp với xu thế hội nhập, với các cam kết của nước ta.
Thứ năm, cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý và tiếp tục cả về thể chế trong đó bao gồm cả những nội dung phân cấp nhưng kèm theo hậu kiểm. Đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của các cấp, kể cả đơn vị, các tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, kể cả từ chủ trương đầu tư cũng như quá trình thực hiện đầu tư và Luật đầu tư công.