Phân biệt rõ nguyên tắc sử dụng, khai thác tài sản phục vụ quản lý nhà nước với tài sản để sử dụng kinh doanh
Về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công tại Điều 6- dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm- tỉnh Phú Thọ cho rằng, ngoài những nguyên tắc chung như mục đích tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường... thì những tài sản phục vụ cho hoạt động quản lý còn phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn định mức, tài sản phục vụ kinh doanh phải tuân theo cơ chế thị trường. Do đó, cần phân biệt rõ nguyên tắc sử dụng, khai thác tài sản phục vụ hoạt động quản lý nhà nước với tài sản sử dụng để kinh doanh. Đồng thời, cần rà soát lại các điều, khoản để thống nhất, bảo đảm nguyên tắc này được xuyên suốt trong luật.
Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng phát biểu tại Hội trường Ảnh: Đình Nam
Theo đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng- tỉnh Lâm Đồng, Điều 6 hiện không có nguyên tắc nào thể hiện vai trò quan trọng của chủ sở hữu toàn dân, chỉ có quy định tại khoản 5 về chịu sự giám sát của cộng đồng nhưng lại trừ các tài sản thuộc bí mật nhà nước. Điều này sẽ dễ dẫn đến việc tùy tiện, thiếu minh bạch trong quản lý và sử dụng tài sản công, không bảo đảm yêu cầu của Luật phòng, chống tham nhũng.
Vì vậy, đại biểu Triệu Thế Hùng đề nghị dự thảo Luật phải quy định đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013 theo hướng tài sản công thuộc sở hữu của toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Phải xác định rõ ba quyền: Một là quyền đại diện chủ sở hữu tài sản công là thuộc về nhà nước. Hai là quyền thống nhất quản lý tài sản công nhà nước giao cho Chính phủ với cơ chế là kiểm soát của nhà nước. Ba là quyền sử dụng tài sản công không chỉ thuộc về nhà nước mà còn thuộc về toàn dân, trong đó nhà nước vừa là quản lý và sử dụng.
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng- tỉnh Quảng Trị đề nghị cần xem xét quy định khoản 1, Điều 6 về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công là một phần trong chính sách quản lý tài sản công; đề nghị Khoản 4, Điều 6 cần quy định việc sử dụng, khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh phải đảm bảo có lãi chứ không chỉ như quy định đủ bù đắp chi phí.
Đại biểu Quốc hội Hà Thị Lan phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Quốc hội Hà Thị Lan- tỉnh Bắc Giang đề nghị, để bảo đảm tính hợp lý, nên quy định Điều 6 theo hướng tách bạch những nguyên tắc cho quản lý, cho sử dụng và nguyên tắc cho cả quản lý và sử dụng; đề nghị nội dung Khoản 6, Điều 6 đưa sang Chương II về nội dung quản lý nhà nước về tài sản công và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước đối với tài sản công.
Bổ sung một số hình thức trong việc công khai tài sản công
Về việc công khai tài sản công quy định tại Điều 8- dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh- tỉnh Bình Định cho rằng, quy định tại khoản 2 về “Việc công khai tài sản công phải được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác thông qua các hình thức sau đây: a) Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; b) Niêm yết công khai; c) Công bố tại các kỳ họp; d) Các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật” chưa thực sự đảm bảo việc giám sát thường xuyên của người dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh: nên bổ sung hình thức công khai trên chính tài sản công
Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị nên bổ sung hình thức công khai trên chính tài sản công đó. Cụ thể, hình thức này sẽ gồm các thông tin cơ bản như cơ quan quản lý tài sản công, đối tượng được giao sử dụng tài sản công, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng tài sản công và các thông tin khác. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, chỉ nên thực hiện hình thức này đối với các tài sản công mới phát sinh, tài sản công được giao cho đối tượng sử dụng mới và tài sản công khi được sửa chữa lớn.
Về điểm a, Khoản 2, Điều 8, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu- tỉnh An Giang cho rằng, việc quy định công khai tài sản công trên Cổng thông tin điện tử còn chung chung. Do đó, đề nghị cần quy định rõ ràng, bởi nếu không thì thông tin có thể đăng trên một website ít người truy cập, như vậy không bảo đảm được tính công khai tài sản công.
Theo đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình- tỉnh Quảng Nam ngoài những nội dung đã được quy định, dự thảo Luật cần bổ sung một số nội dung công khai tài sản đối với các hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 như giao quyền sử dụng tài sản, cho thuê tài sản, góp vốn, liên doanh, liên kết, bán, thanh lý tài sản...
Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình phát biểu tại Hội trường
Công khai, minh bạch tiêu chuẩn, định mức, sử dụng tài sản công trên cơ sở ý kiến của người dân
Về việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công tại Điều 9- dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Hà Thị Lan- tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc quy định nội dung giám sát của cộng đồng đối với tài sản công là cần thiết, tuy nhiên quy định như dự thảo Luật sẽ có nhiều nội dung trùng lắp với quy định tại Điều 6 về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công. Vì vậy, để thực hiện giám sát của cộng đồng cần phải công khai, minh bạch tiêu chuẩn, định mức, sử dụng tài sản trên cơ sở ý kiến của người dân. Đồng thời, tổ chức giám sát của cơ quan quản lý tài sản và cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải công khai việc khắc phục xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đại biểu Quốc hội Hà Thị Minh Tâm- tỉnh Hà Nam đề nghị quy định trách nhiệm tham gia giám sát hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công cho các tổ chức công đoàn, thanh tra nhân dân trong các cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp nhà nước bởi như vậy sẽ trực tiếp và hiệu quả hơn. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị để thể hiện quyết tâm của nhà nước trong việc quản lý và sử dụng tài sản công hiệu quả, cũng như cụ thể hóa quyền, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo của người dân, cần bổ sung điều, khoản riêng hoặc một chương, một mục quy định về nội dung này.
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình- tỉnh Quảng Nam đề nghị bổ sung thêm hình thức giám sát của các cơ quan, tổ chức như Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Các tổ chức này sẽ có quyền yêu cầu các đơn vị được giám sát cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến việc giám sát, đồng thời được tham gia phản biện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công.
Điều này cũng phù hợp quy định tại Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội- đại biểu Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, sau khi trao đổi, Bộ trưởng Bộ Tài chính xin nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự án luật. Các ý kiến sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình trong quá trình hoàn chỉnh dự thảo luật và tiếp tục trình ra Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.