Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) về sự cần thiết ban hành Luật để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nước; kiểm soát chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ cao, tiên tiến của thế giới; đồng thời kiểm soát và từng bước chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật chưa có những chính sách phát triển thị trường khoa học công nghệ cụ thể, đột phá
Tại tổ số 07, đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải- Hải Phòng cho biết mục đích hướng đến của chuyển giao công nghệ là nhằm phát triển một chuỗi sáng kiến, sáng tạo khoa học công nghệ đưa đến ứng dụng, thương mại hóa. Việc ban hành Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) vào thời điểm này là cơ hội để đưa ra các chính sách nhằm phát triển khoa học công nghệ một cách cụ thể và có tính chất đột phá. Tuy nhiên, các quy định về cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ trong dự thảo Luật lại chưa thực sự mạnh mẽ, tạo ưu tiên phát triển cho khoa học công nghệ.
Các đại biểu thảo luận tại Tổ về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi)
Có cùng nhận định, tại tổ số 10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành- Lạng Sơn đánh giá, dự thảo Luật chưa có những quy định đột phá để phát triển thị trường khoa học công nghệ. Theo đại biểu, dự thảo luật vẫn thiết kế theo hướng cũ là cho vay, cấp ngân sách để làm, có yếu tố thị trường nhưng rất ít. Vì vậy, phải định rõ cơ chế quản lý, tạo ra được kênh quản lý để nhà nước mua sản phẩm, doanh nghiệp mua ý tưởng khoa học công nghệ. Nhà nước chỉ cấp đầu vào cho những sản phẩm Nhà nước ưu tiên thì mới khuyến khích được nghiên cứu.
Về các chính sách hỗ trợ, tại Đoàn thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng cần thiết phải phân chia các doanh nghiệp mới thành các nhóm để áp dụng chính sách hỗ trợ phù hợp. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp mang yếu tố công nghệ, sáng tạo thì được hỗ trợ từ quỹ đầu tư mạo hiểm, còn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp mang tính chất là doanh nghiệp nhỏ và vừa lấp nghiệp thì hỗ trợ về tài chính, tiếp cận vốn, hỗ trợ khoa học, đào tạo...
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước
Tại tổ số 05, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, dự thảo luật cần quy định để làm sao Bộ Khoa học- Công nghệ và những người có thẩm quyền quản lý nhà nước lĩnh vực này can thiệp được vào quá trình chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ từ nước ngoài vào. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, thực tế trong các dự án, hầu như cơ quan quản lý nhà nước tiếp cận với công nghệ của họ là rất khó. Như trường hợp công nghệ của Formosa Hà Tĩnh, dù đây là tập đoàn công nghệ cao, nhưng nếu quản lý nhà nước và các quy định pháp luật không chặt chẽ thì có thể họ lách, đưa công nghệ không phù hợp vào. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Luật phải đưa ra quy định chặt chẽ về chuyển giao công nghệ để có thể kiểm tra được, làm sao nước ngoài không lợi dụng kẽ hở để đưa công nghệ lạc hậu vào.
Bày tỏ lo ngại nếu các quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ không chặt chẽ thì Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của thế giới, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm- tỉnh Phú Thọ cho rằng dự thảo Luật lần này phải giải quyết được nguy cơ trên. Theo đó, phải có các điều khoản khẳng định nhập công nghệ tiên tiến và thực hiện tiền kiểm và quy định rõ ràng về quy trình khi có dấu hiệu thực hiện chuyển giao công nghệ phải có sự tiền kiểm, thẩm định, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Đồng thời phải có quy định về tiêu chuẩn thực hiện chuyển giao công nghệ trong các dự án FDI nhằm khắc phục tình trạng các dự án FDI chủ yếu ở lĩnh vực khai thác khoáng sản, công nghệ giá rẻ mà chưa có việc chuyển giao công nghệ.
Có cùng nhận định về sự cần thiết phải tăng cường quản lý của cơ quan nhà nước, tại tổ số 04, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Khánh- tỉnh Quảng Nam cho rằng nội dung quản lý nhà nước trong dự thảo Luật còn đơn sơ, cần phải quy định chi tiết hơn nữa, bảo đảm các cơ quan nhà nước phải sàng lọc, bảo đảm các công nghệ lạc hậu không được phép thâm nhập vào trong nước và chỉ cho phép các công nghệ tiên tiến. Đại biểu nhấn mạnh, trong quá trình đó, ngoài quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ thì sự quản lý của các bộ chủ quản là hết sức quan trọng. Đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế xã hội cũng như đời sống nhân dân như là lọc hóa dầu, sản xuất thuốc...phải tăng cường vai trò định hướng, quản lý nhà nước trong việc sàng lọc công nghệ.