Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Đưa trợ giúp pháp lý về đúng với bản chất

10/11/2016

Sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giải trình làm rõ thêm về một số nội dung của dự án Luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến các đại biểu                           Ảnh: Đình Nam

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, chúng ta bắt đầu có trợ giúp pháp lý bằng quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 1997 về thành lập các tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách và đến năm 2006 có Luật trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, trước đây do nhận thức, do điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ nên Luật trợ giúp pháp lý có phần ôm đồm trong phạm vi điều chỉnh.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng pháp luật, hoàn thiện thế chế, một số hoạt động trước đây được coi là trợ giúp pháp lý đã có các văn bản pháp luật quy định cụ thể như tư vấn pháp luật có Nghị định 77, phổ biến giáo dục pháp luật có luật năm 2012, hòa giải ở cơ sở có luật năm 2013.

Về hoạt động tư vấn pháp luật, hiện tại trên toàn quốc có 183 trung tâm tư vấn pháp luật và cũng tư vấn các lĩnh vực dân sự, hôn nhân, gia đình, đất đai và lao động, đối tượng tư vấn cũng là người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc, đối tượng yếu thế. Trong giai đoạn 2011- 2014 thì các trung tâm này tư vấn khoảng 180 nghìn vụ, trong đấy có khoảng hơn 3 nghìn vụ, coi như trợ giúp pháp lý. Tương tự, Luật phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 có các đề án phổ biến riêng cho từng đối tượng chính sách, những người khuyết tật, đối tượng nông dân, phụ nữ và cùng với các hoạt động về phổ biến giáo dục pháp luật có hướng dẫn và giải thích pháp luật. Đối với hòa giải cơ sở, hiện nay có khoảng 111 nghìn tổ hòa giải để giải quyết các xích mích, các mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, giữa vợ chồng con cái với nhau hoặc trong cộng đồng làng xã có rất nhiều vụ việc đang được hiểu là trợ giúp pháp lý.

Từ những phân tích trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng đang có cách hiểu nhầm lẫn về hoạt động trợ giúp pháp lý. Vì vậy, dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) lần này một là phân sân rõ ràng, hai là trả lại trợ giúp pháp lý đúng bản chất cho người nghèo và cho người không có khả năng được trợ giúp.

Về các đối tượng được trợ giúp pháp lý, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của Việt Nam là rộng nhất thế giới. Rộng so với quy định của các công ước quốc tế và rộng so với quy định của Luật trợ giúp pháp lý của các quốc gia. Thời gian qua, chúng ta đã thực hiện trợ giúp pháp lý với nhiều đối tượng chính sách. Trong khi đó, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 lấy tiêu chí hình sự và không có khả năng trả tiền, Công ước quyền trẻ em cũng lấy tiêu chí hình sự. Lứa tuổi từ 16-18 tuổi được trợ giúp hay không cũng lấy tiêu chí hình sự.

Trong quá trình soạn thảo dự án Luật, Ban soạn thảo muốn cho quay trở lại đúng thực chất, bản chất của trợ giúp pháp lý là cho những đối tượng được xác định rõ ràng, thống nhất về tiêu chí và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật quy định các đối tượng về cơ bản là giữ các đối tượng được trợ giúp pháp lý như luật hiện hành, đồng thời rà soát và bổ sung đủ về diện các đối tượng khác, nhưng tiêu chí cơ bản là không có khả năng chi trả về mặt tài chính.

Về chất lượng trợ giúp pháp lý, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh sẽ cố gắng để người nghèo, đối tượng chính sách, những người được thụ hưởng pháp lý có được một dịch vụ pháp lý về cơ bản tương đương với chất lượng dịch vụ pháp lý có thu phí, bảo đảm người được trợ giúp pháp lý không bị thiệt thòi khi tiếp cận công lý.

Dự thảo Luật đã đưa ra các điều kiện tiêu chuẩn tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý đối với các tổ chức, cá nhân là phải có lực lượng chuyên nghiệp như luật sư hoặc tư vấn viên pháp luật có kinh nghiệm làm việc thường xuyên tại tổ chức nhằm bảo đảm tính ổn định và chất lượng trợ giúp pháp lý.

Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về tiêu chuẩn đặt ra đối với trợ giúp viên pháp lý quá cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm rõ, hiện nay có khoảng 600 trợ giúp viên pháp lý thì hầu như các tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý đã gần đạt được hết. Dự thảo Luật chỉ thêm một vấn đề so với luật hiện hành là quy định về tập sự.

Về xã hội hóa, Bộ trưởng Bộ Tư pháp lưu ý, ở đây không hiểu theo nghĩa xã hội hóa như trong các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, tức là nhà nước không làm để cho khối ngoài nhà nước làm và thu tiền. Xã hội hóa ở đây không hiểu theo nghĩa Nhà nước có một khoản kinh phí, thay vì chuyển từ chỗ này sang chỗ khác làm. Xã hội hóa ở đây là xã hội thu hút như đã trình trong dự thảo luật, nếu đáp ứng được yêu cầu về chất lượng bằng nguồn lực của mình thì được thu hút vào cùng thực hiện dịch vụ. Ở đây có cơ chế ký hợp đồng, cơ chế ngân sách.

Theo tờ trình Bổ sung của Chính phủ thì điểm mới của dự thảo Luật là bổ sung cơ chế huy động lực lượng xã hội tham gia trợ giúp pháp lý có sự hỗ trợ của nguồn lực nhà nước qua việc ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với tổ chức và chi trả kinh phí, tạo sự hấp dẫn để huy động các cá nhân, tổ chức có kinh nghiệm, uy tín nhằm đa dạng hóa chủ thể cung cấp dịch vụ.

Bảo Yến