Phát biểu chào mừng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc do Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Trương Đức Giang dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức nước ta. Chuyến thăm của Chủ tịch Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Trương Đức Giang có ý nghĩa quan trọng, làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống, sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân Việt Nam- Trung Quốc cũng như thúc đẩy sự hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, giữa hai nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam- Trung Quốc.
Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc dự khán phiên họp Ảnh: Đình Nam
Thảo luận tại hội trường các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo về dự thảo Luật trợ giúp pháp lý sửa đổi và báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; khẳng định rằng qua 10 năm thực hiện Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 được Quốc hội khóa XI thông qua đã thể hiện tính nhân văn cao cả sâu sắc của Đảng và nhà nước quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội gồm người nghèo, người có công với cách mạng, người khuyết tật, người già và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn... Qua đó đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy công tác trợ giúp pháp lý phát triển đáp ứng tốt hơn nhu cầu trợ giúp pháp lý. Song, trước yêu cầu phát triển của đất nước căn cứ vào Hiến pháp năm 2013 và nhằm thực hiện các đạo luật quan trọng mới được ban hành, do vậy đòi hỏi sự cấp bách cần sửa đổi Luật trợ giúp pháp lý.
Tán thành với nhiều nội dung cơ bản của dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng cần tập trung nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, đặt đúng vị trí của người được trợ giúp pháp lý là trung tâm của công tác trợ giúp pháp lý. Trong điều kiện nguồn lực tài chính của đất nước còn hạn hẹp thì cần hết sức lưu ý đến tính khả thi của luật, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có, bảo đảm các chính sách nhân văn thực sự đi vào cuộc sống.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Luật phát biểu tại Hội trường Ảnh: Đình Nam
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Luật- tỉnh Kiên Giang, dự thảo Luật đã thể hiện được quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp. Góp phần quan trọng thực hiện chiến lược cải cách tư pháp và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Dự thảo Luật đã quy định về tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý là tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có tư cách pháp nhân được thực hiện trợ giúp pháp lý theo hai phương thức là hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của Nhà nước và đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của chính tổ chức đó.
Dự thảo Luật cũng đã cụ thể hóa được về người tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm: Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng và theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Tư vấn viên pháp luật có 5 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên, làm việc tại tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, qua đó tối đa hóa nguồn lực con người và nâng cao chất lượng hiệu quả trợ giúp pháp lý.
Đại biểu Nguyễn Văn Luật cũng cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề xã hội hóa chủ thể tiến hành trợ giúp pháp lý. Trong đó cần tập trung vào hai chủ thể là tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật và các cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý. Hiện nay, với trên 10.000 luật sư hoạt động trong cả nước thì đây được coi là lực lượng tiềm năng để thực hiện trợ giúp pháp lý có chất lượng trong tương lai. Đồng thời, vấn đề xã hội hóa về nguồn lực cũng cần được xem xét đặt ra đúng mức, tổ chức cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý dùng nguồn lực của mình không cần dùng đến nguồn lực của nhà nước. Đây là định hướng quan trọng để chia sẻ với những khó khăn của nhà nước trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại Hội trường
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng- tỉnh Bến Tre cho biết việc nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý cho người dân mà một trong bốn chính sách lớn của dự thảo Luật đã xin ý kiến và được Bộ Chính trị thông qua. Theo đó, phải có lộ trình để nâng cao chất lượng, đến năm 2025 sẽ chấm dứt vấn đề thực hiện trợ giúp viên pháp lý và chuyển dần cho luật sư để nâng cao tính chuyên nghiệp. Bởi ngoài trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực tư vấn thông thường thì còn có lĩnh vực hòa giải, trọng tài, giải quyết khiếu nại, tố cáo, vấn đề tranh tụng đòi hỏi người trợ giúp pháp lý vừa phải có hiểu biết, vừa phải có kỹ năng. Đồng thời, bảo đảm cho những người yếu thế không phải tiếp tục hưởng những dịch vụ trợ giúp pháp lý kém cỏi.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho biết Ban chỉ đạo cải cách tư pháp cũng đã yêu cầu Đảng đoàn luật sư phải tham gia một cách tích cực ngoài lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo giờ quy định trong Luật luật sư thì phải tăng cường hơn nữa là cử những luật sư đủ tiêu chuẩn để đứng ra trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, ngoài các luật sư có thể huy động những người khác ở các tổ chức khác có đủ năng lực, ví dụ như Hội luật gia có thể cung cấp các tổ chức trợ giúp khác nhưng đòi hỏi người đó phải có năng lực, không chấp nhận người không đủ năng lực để trợ giúp pháp lý cho người có công và người yếu thế.
Bên cạnh đó, cũng có đại biểu cho rằng đòi hỏi nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý là cần thiết nhưng trong bối cảnh hiện nay cần duy trì hoạt động của trợ giúp viên pháp lý và quy định về điều kiện tiêu chuẩn của trơ giúp viên pháp lý sao cho phù hợp đáp ứng với nhu cầu tư vấn pháp luật của người dân.
Theo đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Cảnh- tỉnh Bình Thuận, để khắc phục chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp và chưa ngang bằng với dịch vụ pháp lý có thu phí do luật sư cung cấp thì giải pháp quan trọng và có tính đột phá là vấn đề về con người, đặc biệt là vấn đề nâng cao chất lượng của trợ giúp viên pháp lý. Quy định về tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý đáp ứng được yêu cầu các luật tố tụng được Quốc hội thông qua xác định trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại và đương sự. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này sẽ giảm đáng kể số lượng trợ giúp viên pháp lý so với hiện hành nên có thể gặp khó khăn khi số người có yêu cầu trợ giúp pháp lý nhiều nhất là vùng sâu, vùng xa và miền núi. Vì vậy, cần đưa ra lộ trình phù hợp để khắc phục hạn chế nêu trên.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám- tỉnh Kon Tum kiến nghị cần xem xét quy định này theo hướng có thêm quy định, nếu trợ giúp pháp lý chưa qua đào tạo, tập sự nghề luật sư thì không được tham gia tố tụng. Quy định như thế sẽ linh hoạt hơn trong quá trình xây dựng đội ngũ trợ giúp viên.
Ngoài ra, nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần phải xây dựng một quy trình để đảm bảo mỗi một đối tượng, mỗi một vụ việc cần phải có quy trình để đảm bảo làm sao nâng cao chất lượng. Xây dựng một cơ chế trợ giúp pháp lý làm sao đảm bảo đáp ứng cho gần dân. Ví dụ, trợ giúp pháp lý lưu động hay trợ giúp pháp lý thông qua điện thoại, trợ giúp pháp lý thông qua hệ thống công nghệ thông tin.