Bộ trưởng Bộ Văn hóa, TT và DL Nguyễn Ngọc Thiện trình bày tờ trình dự thảo Luật Ảnh: Đình Nam
Trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ, Luật du lịch hiện hành bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006. Tuy nhiên, sau mười năm thực hiện cho thấy, quá trình triển khai Luật du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành Du lịch. Đặc biệt, trước sự phát triển, thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam cùng với quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ đã làm nhiều quy định của Luật du lịch không còn phù hợp và thiếu tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, chưa tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành; một số nội dung quy định trong Luật du lịch chưa rõ ràng, tạo ra cách hiểu khác nhau, hoặc thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, triển khai trên thực tế… Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật du lịch (sửa đổi) là rất cấp thiết, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy du lịch phát triển.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội lần này có kết cấu gồm 10 Chương, 79 Điều và đã được bố cục theo hướng hợp lý hơn so với Luật du lịch hiện hành.
Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật du lịch để tiếp tục thể chế hóa đường lối của Đảng về phát triển du lịch; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành làm cơ sở thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững.
Cân nhắc kỹ nguyên tắc tự nguyện trong xếp hạng cơ sở lưu trú
Theo tờ trình của Chính phủ, các nội dung về cơ sở lưu trú du lịch đều được quy định tại Chương VII của dự thảo Luật. Cụ thể, tại Mục 1, từ Điều 59 đến Điều 62, quy định về việc phân loại, điều kiện kinh doanh, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch. Theo đó, dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) đã bỏ quy định về Làng du lịch và bổ sung quy định về Tàu thủy lưu trú du lịch là loại hình lưu trú đang phát triển tại các khu du lịch biển.
Đáng chú ý, dự thảo Luật lần này đã quy định việc thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được áp dụng tự nguyện, không bắt buộc như quy định tại Luật du lịch (Chương V, Mục 1). Bên cạnh đó, đối với các cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng, dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) bỏ quy định tái thẩm định, công nhận lại hạng sau 3 năm; bổ sung quy định thu hồi quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch khi không duy trì chất lượng theo tiêu chuẩn đã được công nhận; bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch hoạt động theo cơ chế thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra
Đối với các quy định liên quan đến cơ sở lưu trú du lịch quy định tại Chương này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, về cơ bản, Ủy ban nhất trí với đề xuất của Ban soạn thảo về thẩm quyền công nhận xếp hạng cơ sở lưu trú. Đó là phân quyền mạnh hơn cho địa phương trong việc công nhận hạng cơ sở lưu trú, theo đó, Tổng cục Du lịch thực hiện thẩm định, công nhận hạng đối với cơ sở lưu trú du lịch từ 4 sao trở lên và giao cho cơ quan chuyên ngành ở địa phương thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú từ hạng 3 sao trở xuống.
Tuy nhiên, về điều kiện kinh doanh cơ sở lưu trú, dự thảo chỉ quy định doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh và đáp ứng điều kiện về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật là đủ điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo bổ sung điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực vì đây là hai điều kiện cơ bản, quyết định chất lượng cơ sở lưu trú đồng thời tạo cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát chất lượng.
Ủy ban cũng nhận thấy, so với Luật du lịch hiện hành, việc dự thảo bỏ quy định thẩm định để công nhận lại hạng cơ sở lưu trú là chưa phù hợp khi mà tính tự giác của các doanh nghiệp trong việc duy trì, đảm bảo các quy định về giá cả, chất lượng dịch vụ còn chưa cao; lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát còn quá mỏng. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định này và điều chỉnh thời hạn thẩm định cho phù hợp. Cùng với đó, việc dự thảo quy định xếp theo 5 hạng đối với khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, còn các loại cơ sở lưu trú khác (nhà nghỉ, bãi cắm trại du lịch...) thì áp dụng theo quy định chung của pháp luật có liên quan là chưa hợp lý. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, Ủy ban đề nghị đối với các loại hình lưu trú còn lại, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định đạt tiêu chuẩn, làm căn cứ để áp dụng Bộ Tiêu chuẩn quốc gia về phân loại, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Đặc biệt, về nguyên tắc tự nguyện trong xếp hạng cơ sở lưu trú, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, việc xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc tự nguyện được quy định tại Điều 61 của dự thảo Luật sẽ tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo chất lượng, khó khăn trong việc quản lý, thống kê cơ sở lưu trú, dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận sao, quảng cáo sai thứ hạng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch; tạo kẽ hở về pháp luật và quản lý, tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh du lịch, đến diện mạo và uy tín của ngành. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần phải cân nhắc kỹ lại quy định này.
Cụ thể hóa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch
Đối với các quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch trong dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thống nhất với chủ trương giao trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch cho các bộ, ngành có liên quan, vì du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, việc thúc đẩy ngành du lịch phát triển cần có sự tham gia của các ngành khác (giao thông, vận tải, xây dựng, giáo dục, kinh doanh dịch vụ…) và ngược lại. Tuy nhiên qua thẩm tra, Ủy ban nhận thấy, dự thảo Luật chưa thể hiện được nội dung này.
Cụ thể, Chương IX của dự thảo Luật mặc dù nói về quản lý nhà nước nhưng lại không đề cập đến nội dung quản lý nhà nước, cơ chế phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo bổ sung những nội dung trên cho phù hợp với tên gọi của chương; đặc biệt, cụ thể hóa các quy định về trách nhiệm của các bộ ngành trong lĩnh vực du lịch và tăng tính chủ động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Ngoài ra, về các quy định liên quan đến kinh doanh lữ hành, Ủy ban thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo phân chia kinh doanh lữ hành thành 03 loại: đón khách vào (inbound), đưa khách ra (outbound), du lịch nội địa (domestic) và có những quy định phù hợp với đặc thù của từng loại nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, để tránh thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tràn lan, không kiểm soát được chất lượng, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các điều kiện đặc thù của dịch vụ lữ hành, như điều kiện liên quan đến nhân lực (trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh lữ hành; số lượng hướng dẫn viên cơ hữu).
Đối với nội dung về hướng dẫn viên du lịch, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định phân loại hướng dẫn viên theo bậc chuyên môn. Đây là động lực khuyến khích hướng dẫn viên không ngừng phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng với đó, nghiên cứu bổ sung quy định về thanh tra du lịch theo hướng gắn kết hoạt động thanh tra với hoạt động nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đồng thời không làm tăng biên chế bộ máy...
Để đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật, Ủy ban yêu cầu Ban soạn thảo rà soát và định nghĩa lại một số khái niệm trong phần giải thích từ ngữ (như du lịch, hoạt động du lịch, khách du lịch, tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch) để đảm bảo tính chính xác, tính toàn diện của các thuật ngữ chuyên ngành; rà soát nội dung và hình thức văn bản; sắp xếp, trình bày lại các điều, khoản cho hợp lý và chặt chẽ hơn, đảm bảo kỹ thuật soạn thảo văn bản và kỹ thuật lập pháp; đồng thời, hoàn thiện nội dung báo cáo đánh giá tác động; bổ sung dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật cũng như cung cấp thêm các tài liệu tham khảo, các tài liệu so sánh, đối chiếu nội dung sửa đổi trong Luật với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành để các đại biểu Quốc hội có thêm căn cứ, thông tin trong quá trình thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật.