Chỉ doanh nghiệp nhà nước mới được phép sản xuất kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

07/11/2016

Chiều 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Khó có thể quy định việc nổ súng cho từng lĩnh vực chuyên ngành

Cho ý kiến về điều 21- Quy định nổ súng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu- tỉnh Nghệ An cho rằng, súng quân dụng là loại vũ khí gây sát thương rất mạnh, người sử dụng súng quân dụng bao giờ cũng ở thế chủ động cho với người sử dụng các loại vũ khí khác. Nhà nước giao quyền sử dụng súng cho một số lực lượng người thi hành công vụ nhằm giúp cho các tổ chức, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, người sử dụng không chỉ cần thành thạo về mặt kỹ thuật mà còn phải nắm vững các quy trình của pháp luật để sử dụng nó. Nếu không, sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị buộc tội rất cao. Người sử dụng súng, công cụ hỗ trợ nếu sử dụng không đúng thì phải chịu trách nhiệm hình sự quy định tại điều 126 giết người do việc quá giới hạn phòng vệ chính đáng, điều 127 giết người trong khi thi hành công vụ, điều 136 cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, điều 137 cố ý gây thương tích, tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ trong Bộ Luật hình sự. Các tội danh nói trên có mức án từ 3 tháng đến 5 năm, có tội đến 10 năm. Nhiều sỹ quan chỉ huy không bản lĩnh, không nắm vững các quy định về nổ súng cũng không dám sử dụng; chưa nói đến các cán bộ, chiến sỹ bình thường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại Hội trường                                                     Ảnh: Đình Nam

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Điều 21 của dự thảo Luật đã có nhiều tiến bộ so với trước đây. Tuy nhiên, điều luật còn khá dài, quy định một số nội dung chưa thật hợp lý. Để hoàn thiện điều luật này, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nên căn cứ điều 22 về phòng vệ chính đáng, điều 25 gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội, điều 26 thi hành mệnh lệnh của chỉ huy hoặc của cấp trên trong Bộ Luật hình sự 2015. Ba điều này đều có quy định vượt quá mức cần thiết, Ban soạn thảo căn cứ vào đó, đề xuất ngược lại những trường hợp nào không vượt quá mực cần thiết để Quốc hội thảo luận. Đồng thời, nên căn cứ vào tính chất mức độ của hành vi nguy hiểm và tính chất quan trọng của đối tượng bị xâm hại cần thiết phải cấp phép người thi hành công vụ tiến hành phòng vệ sớm, nếu phòng vệ muộn sẽ gây hậu quả khôn lường. Theo đó, các hành vi sử dụng vũ khí vật liệu nổ để tấn công đối tượng cảnh vệ, để khủng bố, cướp chính quyền, cướp phá trại giam, bắt cóc con tin, tội phạm ma túy có vũ trang cần thiết phải phòng vệ sớm để tiêu diệt đối tượng.

Đại biểu đồng tình với Ban soạn thảo rằng, luật này chỉ quy định chung về nổ súng, khó có thể quy định việc nổ súng cho từng lĩnh vực chuyên ngành. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên tách Điều 21 thành 6 điều như sau: 1. Quy định về khái niệm nổ súng và cảnh báo; 2: Nguyên tắc nổ súng; 3: Nổ súng sau khi đã cảnh báo; 4: Nổ súng trong trường hợp không cần cảnh báo; 5: Nổ súng trong tình trạng khẩn cấp; 6: Hậu quả pháp lý của việc nổ súng. Theo đại biểu, quy định như vậy vừa chặt chẽ, vừa giúp cho người thi hành công vụ nắm vững và sử dụng đúng hiệu quả trong thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền phát biểu tại Hội trường

Đồng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền- tỉnh Thái Bình nhận định, dự thảo đã quy định cụ thể hóa các trường hợp được nổ súng tại khoản 2, quy định về nguyên tắc và khoản 3: Những trường hợp được nổ súng sau khi đã cảnh báo, khoản 4: Những trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo. Theo đại biểu, các quy định này chưa tương thích với quy định của Bộ Luật hình sự về phòng vệ chính đáng cũng như các tình thế cấp thiết. Đây cũng chỉ là các dự liệu liên quan đến các tình huống theo phán đoán chủ quan của người thi hành công vụ, chưa có được các quy định cụ thể. Đại biểu đề nghị, trong luật chuyên ngành cũng cần phải đưa ra các tình huống, lý do cụ thể ở từng thời điểm, từng địa bàn, từng đối tượng khác nhau để tránh bị lạm dụng. Đồng thời, tạo cơ sở vững chắc khi xử lý tình huống của người thi hành công vụ.

Cho ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám- tỉnh Kon Tum cho rằng, trên thực tế thời gian qua hành vi chống người thi hành công vụ như chống đối công an, kiểm lâm đã gây thương vong cho cán bộ chiến sĩ. Việc nổ súng của những đối tượng này, có những trường hợp đã đem lại nhiều hệ lụy cho cán bộ chiến sĩ do các quy định pháp luật về việc nổ súng chưa được cụ thể, rõ ràng. Dự thảo luật đã cụ thể hóa các quy định về nổ súng khá đầy đủ tại điều 21, tuy nhiên với các đối tượng được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, phương tiện tấn công đe dọa tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ hoặc người khác thì cần cho phép bổ sung ngay chứ không cần rà soát các cảnh bảo như quy định tại điểm a, khoản 3 điều 21bởi đây là hành vi hết sức nguy hiểm, nếu không nổ súng kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ.

Chỉ doanh nghiệp nhà nước mới được phép sản xuất kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

Cho ý kiến tại Điều 35 Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Khánh- tỉnh Bình Dương đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng- An ninh. Theo đó, chỉ doanh nghiệp nhà nước mới được phép sản xuất kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; đồng thời phân định rõ hoạt động sản xuất với hoạt động kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo hướng doanh nghiệp sản xuất chỉ thực hiện chức năng sản xuất. Doanh nghiệp kinh doanh chỉ thực hiện chức năng kinh doanh bởi vật liệu nổ là mặt hàng đặc biệt có tính nguy hiểm rất cao, có liên quan trực tiếp tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe con người nên cần phải quy định về cơ chế quản lý chặt chẽ, cơ chế quản lý đặc thù. Đây cũng là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư. Đồng thời, cũng phù hợp với quy định của Điều 33 Hiến pháp 2013 “ Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Nếu quy định doanh nghiệp sản xuất cũng được phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp thì sẽ bị phân tán, khó quản lý, dễ bị kẻ xấu lợi dụng để chế tạo bom, mìn, vũ khí tự tạo nhắm mục đích phạm tội, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội.

Thực tiễn những năm qua quy định việc sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp do các doanh nghiệp nhà nước thực hiện. Doanh nghiệp nhà nước sản xuất được tách bạch với doanh nghiệp nhà nước kinh doanh vật liệu nổ đã bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp được chặt chẽ, hiệu quả, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh Quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đáp ứng được yêu cầu cung ứng trong nước cũng như xuất khẩu.

Từ những lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Văn Khánh đề nghị sửa điểm a, khoản 2; điểm a, khoản 3; điểm a, khoản 4, điều 35 dự thảo Luật cho phù hợp. đồng thời đại biểu đề nghị bổ sung thêm điểm g, khoản 2, điều 35 là: g) tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp được sản xuất, bán sản phẩm đúng chủng loại cho các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Bổ sung quy định này nhằm khẳng định doanh nghiệp nhà nước sản xuất vật liệu nổ công nghiệp chỉ được phép bán cho doanh nghiệp nhà nước kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp mà không được phép bán cho doanh nghiệp, cá nhân khác.

Thanh Tú- Vân Ngọc