Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cộng hỗ trợ
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ tình dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm cho biết, sau hơn 04 năm tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong tình hình mới, cụ thể: tại Khoản 2 Điều 14 và Điều 19 Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có liên quan trực tiếp đến những quyền này. Vì vậy, cần phải quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ở tầm một đạo luật cho phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.
Bên cạnh đó, Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được ban hành năm 2011, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013, nhưng thực tiễn công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là rất rộng và phức tạp, liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là liên quan đến tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Do đó, Pháp lệnh, các quy định sửa đổi, bổ sung chỉ mang tính giải pháp tình thế, vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định....
Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 08 chương, 75 Điều.
Về Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ thể chế hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác này, bảo đảm tính hợp hiến và tương thích của luật với các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, bảo đảm tính kế thừa và phát huy tác dụng tốt của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; khắc phục được những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này trong tình hình hiện nay. Đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; quy định rõ, cụ thể các trường hợp được sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trong khi làm nhiệm vụ của các lực lượng chức năng có liên quan, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra Ảnh: Đình Nam
Chỉ trang bị vũ khí quân dụng cho các đơn vị có lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm
Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày, Ủy ban cơ bản tán thành với các quy định về đối tượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị tại các điều 17, 18, 23, 26, 51 của dự thảo Luật, các nội dung này đã kế thừa các quy định của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bổ sung đối tượng trang bị cho phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi của tình hình thực tiễn.
Theo báo cáo thẩm tra, có ý kiến đề nghị bổ sung Công an xã vào đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ, vì cho rằng, thực tế lực lượng này có nhu cầu và đã được trang bị. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không trang bị vũ khí quân dụng cho Công an xã vì đây không phải là lực lượng Công an nhân dân chính quy. Đồng thời, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trang bị vũ khí quân dụng cho “cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao”, vì cho rằng, căn cứ tính chất của hoạt động điều tra và đối tượng điều tra của lực lượng này chủ yếu là cán bộ nhà nước nên không cần thiết phải sử dụng vũ khí quân dụng.
Tuy nhiên, dự thảo Luật mới quy định các lực lượng được trang bị, chưa quy định đối tượng cụ thể được trang bị. Do đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bổ sung trong Luật này quy định về nguyên tắc trang bị, tiêu chí đối tượng được trang bị, chủng loại được trang bị, tiêu chuẩn của người sử dụng, nhất là đối với việc trang bị vũ khí quân dụng. Về đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, nên nghiên cứu theo hướng chỉ trang bị vũ khí quân dụng cho các đơn vị có lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc chỉ cá nhân trực tiếp làm nhiệm vụ thuộc biên chế của các cơ quan, đơn vị này mới được giao quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng. Về các loại vũ khí quân dụng được trang bị, phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhu cầu thực tế của từng đơn vị, khắc phục tình trạng một số đơn vị được trang bị nhưng không có nhu cầu hoặc không phù hợp chủng loại, gây lãng phí.
Rà soát các quy định về nổ súng trong các luật chuyên ngành để quy định tại Luật này
Dự luật đã quy định rõ các trường hợp nổ súng khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, thực hiện nhiệm vụ độc lập, các trường hợp nổ súng sau khi đã cảnh báo và các trường hợp nổ súng không cần cảnh báo. Ủy ban thẩm tra đề nghị nghiên cứu các quy định về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết trong Bộ luật hình sự để cụ thể hóa trong Dự luật này nhằm bảo đảm chặt chẽ hơn.
Có ý kiến đề nghị Luật này chỉ quy định nguyên tắc nổ súng, còn các trường hợp nổ súng cụ thể cần được quy định trong các luật chuyên ngành để khắc phục sự thiếu định lượng trong các quy định về nổ súng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị rà soát các quy định về nổ súng trong các luật chuyên ngành để quy định tại Luật này bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, cụ thể, khả thi mà không phải dẫn chiếu sang các luật khác; đề nghị xác định rõ người có thẩm quyền quyết định nổ súng trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ có tổ chức quy định tại khoản 5 Điều này và trách nhiệm của cá nhân đó khi để xảy ra sai phạm. Đồng thời đề nghị bổ sung các trường hợp cụ thể như: nổ súng của lực lượng Cảnh vệ khi làm nhiệm vụ; nổ súng của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam khi cơ quan có thẩm quyền cho phép họ được mang vũ khí vào Việt Nam; nổ súng nơi đông người; nổ súng trên biển hoặc ở khu vực biên giới; nổ súng trên tàu bay của nhân viên an ninh trên không để bảo đảm an ninh chuyến bay.