Cần phải có những giải pháp thích hợp để phòng ngừa, xử lý có hiệu quả xu hướng trẻ hóa tội phạm

26/10/2016

Ngày 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự 2015, khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi), dự thảo Luật được thể hiện theo hướng quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015.

Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng cho biết đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định không xử lý hình sự hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Quy định này bảo đảm phù hợp với chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng và quan điểm xuyên suốt trong các Bộ luật Hình sự từ trước đến nay của Nhà nước ta.

Thảo luận tại hội trường, vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các đại biểu. Có ý kiến tán thành với phương án do Chính phủ trình là không buộc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nghiêm trọng. Một số ý kiến đề nghị giữ như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Cũng có ý kiến đề nghị giữ lại quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa- Đồng Tháp phát biểu tại Hội trường                             Ảnh: Đình Nam

Bày tỏ quan điểm tán thành với hướng quy định như trong dự thảo của Chính phủ trình và đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa- Đồng Tháp phân tích, trẻ em ở tuổi 14 đến 16 thực sự là chưa hoàn thiện nhân cách. Đây là giai đoạn thích nổi loạn, thích thể hiện mình và cũng là một giai đoạn rất dễ bị kích động dẫn đến những hành vi thiếu suy nghĩ. Chính vì vậy, ở tuổi này chưa đủ chín, chưa đủ khôn để quyết định những hành vi của mình.

Phân tích những nguyên nhân đẩy trẻ đến phạm tội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng ngoài nguyên nhân từ phía bản thân trẻ thì môi trường sống như vấn đề đạo đức xã hội, những ứng xử trong xã hội giữa người lớn với người lớn sẽ có những tác động đến trẻ. Đại biểu đặt câu hỏi những đề án xây dựng một môi trường sống làng xã an toàn cho trẻ, nhà trường an toàn cho trẻ nhưng thực chất trẻ đã an toàn chưa khi xung quanh trẻ hiện nay có rất nhiều văn hóa nghe nhìn, giải trí rất độc hại và có rất nhiều những nội dung kích động, bạo lực.

Dẫn kết quả nghiên cứu của Học viện cảnh sát nhân dân về hoàn cảnh gia đình phạm tội, đối với tội phạm vị thành niên thì 11% là do bố mẹ ly hôn, 29% là do bố mẹ không đáp ứng nhu cầu, 5% là do bố mẹ từ chối nuôi dưỡng và đến 45% là do bố mẹ chỉ biết kiếm tiền mà không quan tâm đến trẻ con, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh đến trách nhiệm của gia đình, của nhà trường trong việc quản lý, giáo dục trẻ.

Chính vì vậy, khi nói về tính nhân văn trong xem xét vấn đề, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho rằng việc răn đe đẩy trẻ vào con đường phải chịu trách nhiệm hình sự chưa hẳn đã là sự lựa chọn đúng đắn để giáo dục trẻ mà phải có những giải pháp khác, lắng nghe, quan tâm đến trẻ nhiều hơn, và đó là trách nhiệm của người lớn.

Cùng với việc bày tỏ tán thành với quy định trong dự thảo Luật và các lập luận trong báo cáo thẩm tra, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám- Kon Tum đề nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp xử lý, giáo dục khác, ví dụ như các biện pháp giáo dục đưa vào trường giáo dưỡng, các biện pháp giáo dục, các biện pháp ngăn chặn, cải tạo khác để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, như thế đảm bảo tạo điều kiện cho tương lai của các em trong quá trình phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân- Đắk Lắk: Xu hướng trẻ hóa tội phạm ngày càng tăng

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân- Đắk Lắk lại cho rằng xu hướng trẻ hóa tội phạm ngày càng tăng, đáng chú ý nhiều vụ án hình sự về tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng ra tăng trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, tình trạng người chưa thành niên phạm tội vào các tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như về mà túy, về giết người do sử dụng ma túy chiếm tỷ lệ rất cao, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân. Trước thực trạng đó, cần phải có những giải pháp thích hợp để phòng ngừa, xử lý có hiệu quả tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị sửa đổi, bổ sung như quy định của Khoản 2, Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 1999 là "Người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng", để xử lý hiệu quả hơn tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội. Đại biểu Quốc hội Sùng A Hồng- Điện Biên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết- Bà Rịa Vũng Tàu, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng- Hà Nam, hay đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu- Tp. Hồ Chí Minh cũng có chung quan điểm này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết- Bà Rịa Vũng Tàu phát biểu tại Hội trường

Theo quan điểm không nên sửa đổi, bổ sung quy định này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc- Hưng Yên cho rằng đây là chính sách mới đã được Quốc hội khóa XIII thông qua nhằm giáo dục, cải tạo người phạm tội và đảm bảo tính phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong bối cảnh tội phạm trong thanh, thiếu niên đang ở mức báo động như hiện nay. Thực tế thời gian qua, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác ở độ tuổi thanh, thiếu niên có xu hướng gia tăng, nhiều vụ xảy ra với tính chất phức tạp, mức độ vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài cho sức khỏe của người bị hại. Qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri quan tâm và bức xúc về vấn đề này.

Báo cáo giải trình, tiếp thu tại cuối buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long bày tỏ tâm đắc với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa; đồng thời phân tích thêm quy định như Quốc hội năm 1999 là hơi rộng, thiếu rõ ràng và không minh bạch. Thực tiễn của các nước cũng có câu chuyện rút bớt số lượng các tội danh mà các cháu ở lứa tuổi này phải chịu. Hơn nữa, qua nghiên cứu tâm lý cũng như khảo sát về mặt xã hội thấy rằng chúng ta dùng một cách hình sự sòng phẳng đối với lứa tuổi này chưa chắc có tác dụng và cái xấu nó ngấm rất nhanh trong môi trường thoát ly khỏi xã hội. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị trình Quốc hội phương án như trong dự thảo.

Bảo Yến