Cân nhắc quy định về việc giám định hàm lượng chất ma túy

26/10/2016

Ngày 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Một trong các nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là việc bổ sung quy định liên quan đến vấn đề xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự (các Điều từ 248 đến 252 Bộ luật Hình sự năm 2015- các khoản từ 39 đến 4 Điều 1 của dự thảo Luật).

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật được thể hiện theo hướng quy định rõ cần phải xác định hàm lượng chất ma túy thu giữ được để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự nếu thuộc một trong 05 trường hợp sau: (1) phạm tội về ma túy quy định tại khoản 4 các điều từ Điều 248 đến Điều  252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (có mức phạt đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình); (2) chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; (3) chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; (4) xái thuốc phiện; (5) thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

Về vấn đề này, cơ quan thẩm tra- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có 03 loại ý kiến. Một là không tán thành với quy định của dự thảo. Hai là tán thành quy định ngay trong Luật việc chỉ xác định loại ma túy, mà không xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma tuý. Ba là tán thành với Chính phủ về việc quy định cần phải xác định hàm lượng chất ma túy thu giữ được để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự nếu thuộc 01 trong 05 trường hợp như đã được nêu cụ thể trong Tờ trình của Chính phủ.

Thảo luận tại hội trường, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định này. Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải xác định hàm lượng chất ma tuý thu giữ được để quy định ra khối lượng hoặc thể tích chất ma tuý làm cơ sở cho việc xử lý hình sự nếu thuộc các trường hợp các chất thu giữ được nghi chất ma túy là chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, sái thuốc phiện, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần phải giám định hàm lượng để làm căn cứ truy tố xét xử. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định về giám định hàm lượng chất ma túy.

Đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy- Hòa Bình phát biểu tại Hội trường               Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy- Hoà Bình cho biết thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng, công an, kiểm sát và tòa án chưa có sự thống nhất về quan điểm để áp dụng việc thực hiện giám định hàm lượng chất ma túy. Đại biểu đồng ý với ý kiến là không quy định xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy trong trường hợp phạm tội có khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Đồng thời, chỉ quy định rõ trong Bộ luật hình sự về tính hàm lượng để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy đối với các trường hợp cụ thể: Một, chất ma túy tiền chất dùng vào việc sử dụng ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; Hai, chất ma túy tiền chất dùng vào việc sản xuất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; Ba, sái thuốc phiện; Bốn, thuốc gây nghiện và thuốc hướng thần.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong- Hậu Giang nếu không có giám định hàm lượng chất ma túy để làm căn cứ xét xử thì sẽ dẫn đến oan sai. Vì vậy, đối với tất cả trường hợp nào cũng phải giám định, nhưng đối với trường hợp các chất thu giữ được nghi chất ma túy là chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, sái thuốc phiện, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần phải giám định hàm lượng để làm căn cứ truy tố xét xử.

Tán thành quan điểm cần phải giám định hàm lượng các chất ma tuý để xác định mức hình phạt cần áp dụng đối với những trường hợp phạm tội về ma tuý có khả năng bị áp dụng mức hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh- Bình Định cũng đề nghị điều chỉnh đối với trường hợp phạm tội được quy định tại Điều 248, tội sản xuất trái phép chất ma túy thì dù có áp dụng mức hình phạt nào cũng cần giám định hàm lượng chất ma tuý, vì đối tượng này khi thực hiện hành vi sản xuất đã biết hàm lượng và khối lượng ma tuý được sản xuất là bao nhiêu.

Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong- Hậu Giang phát biểu tại Hội trường

Bên cạnh đó, góp ý cụ thể vào nội dung điều luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy- Bắc Kạn cho rằng quy định áp dụng đối với Khoản 4 các điều từ Điều 248 đến Điều 252 là bắt buộc phải giám định để xác định hàm lượng ma tuý tinh chất là không phù hợp và chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn. Đại biểu lý giải, quy định như dự thảo sẽ không bảo đảm tính thống nhất của pháp luật; không bảo đảm tính công bằng trong xử lý giữa vụ án thu được ma tuý và vụ án không thu được ma tuý.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu rõ cùng là hành vi phạm tội về ma tuý nhưng nếu bị truy cứu theo Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 thì lại tính theo khối lượng ma tuý thu giữ được nhưng nếu bị truy cứu theo Khoản 4 là khoản có khung hình phạt tù 20 năm, chung thân, tử hình thì lại tính theo hàm lượng ma tuý. Như vậy là không thống nhất.

Đại biểu cho hay hiện nay số vụ án không thu được ma tuý ở nước ta chiếm khoảng trên 20% trên tổng số án ma tuý thụ lý. Mặc dù không thu được ma tuý nhưng qua quá trình đấu tranh với đối tượng, qua khai thác người làm chứng và khai thác các đồng phạm khác thì các cơ quan tố tụng vẫn có đầy đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng, vẫn ứng với các khung, khoản tương ứng của bộ luật để xử lý. Nếu như quy định như của dự thảo thì phải chăng tới đây chúng ta sẽ phải áp dụng hai cách tính. Đó là với những vụ án không thu được ma túy thì sẽ tính theo khối lượng ma túy mà đối tượng khai nhận. Còn đối với những vụ án thu được ma túy thì lại tính theo hàm lượng ma túy tinh chất rút ra từ số ma túy thu giữ được. Đại biểu cho rằng đây là mâu thuẫn lớn nhất đến thời điểm hiện nay dự thảo chưa hề tính tới. Vì vậy, đại biểu cho rằng quy định như luật các nước là không tính theo hàm lượng ma túy tinh chất mới phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng- Quảng Nam phát biểu tại Hội trường

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng- Quảng Nam nêu thêm thực tế việc giám định các chất ma túy đều nhằm xác định hàm lượng morphin và việc quy định hàm lượng morphin trong những trường hợp nêu trên dẫn đến không công bằng trong chính sách xử lý. Đối với tội sản xuất trái phép chất ma tuý, Điều 248, không thể có việc sản xuất sái thuốc phiện, vì sái thuốc phiện là chất thải thuốc phiện sau khi sử dụng thuốc phiện; đồng thời khi sản xuất ma tuý người ta chỉ sản xuất các thể định tính như thể rắn, thể lỏng còn việc hoà tan, pha loãng đã là ra quá trình sử dụng nên việc quy định như dự luật là không phù hợp với thực tiễn.

Hơn nữa cơ sở vật chất phục vụ giám định hàm lượng morphin của nước ta hiện nay chưa đáp ứng để có thể giám định trong mọi trường hợp. Trong khi yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý cần phải khẩn trương, nếu quy định phải giám định hàm lượng thì không kịp thời gian để áp dụng biện pháp giam giữ, khi bắt quả tang .

Một số nước cũng không quy định giám định hàm lượng ma tuý và theo thông lệ thì việc giám định, trưng cầu giám định do Bộ luật tố tụng quy định. Từ những lý do trên, đại biểu đề nghị không quy định giám định hàm lượng ma tuý, hàm lượng morphin trong các chất ma tuý tại các điều từ Điều 248 đến Điều 252.

Bảo Yến