(VOV)_ Chất lượng lao động của nước ta tiếp tục thấp, cơ cấu lao động tiếp tục bất hợp lý ngay từ khi đào tạo khiến thị trường lao động tiếp tục phải tiếp nhận một nguồn nhân lực không đạt yêu cầu. Đây là thực tế đòi hỏi có giải pháp hữu hiệu để giải quyết.
Chiến lược phát triển giáo dục quốc gia 2001-2010 đã khẳng định “ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, đặc biệt chú trọng nhân lực khoa học trình độ cao, cán bộ quản lý, kinh doanh giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề trực tiếp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế…”. Thế nhưng, đến nay chất lượng lao động của nước ta tiếp tục thấp, cơ cấu lao động tiếp tục bất hợp lý ngay từ khi đào tạo khiến thị trường lao động tiếp tục phải tiếp nhận một nguồn nhân lực không đạt yêu cầu. Đây là thực tế đòi hỏi có giải pháp hữu hiệu để giải quyết.
Nước ta có nguồn lao động dồi dào, chiếm trên 54% dân số cả nước, với 46,6 triệu lao động. Tuy nhiên, có đến gần 80% người lao động trong độ tuổi từ 20- 24 khi tham gia thị trường lao động chưa được đào tạo nghề, hoặc được đào tạo thì còn hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp. Các yếu tố như thể lực, trí lực, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật của người lao động cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn… Thực tế này làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là những ngành công nghiệp kỹ thuật cao, như cơ khí, điện tử… Ông Trần Quang Hùng-Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng: Chúng ta cần phải thay đổi toàn bộ hình thức đạo tạo công nhân và kỹ sư. Hiện nay, chúng ta có nhiều thợ, nhiều kỹ sư, nhưng kỹ sư giỏi và thợ lành nghề ít vì vậy mà chúng ta chỉ có thể gia công. Kỹ sư của chúng ta mới quen làm việc theo công nghệ, mẫu mã của nước ngoài. Còn tự mình thiết kế sản phẩm, hoặc sáng tạo ra mẫu mã mới còn rất ít. Đây là thực tế đã kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp khắc phục.
Thực tế thiếu lao động chất lượng cao không chỉ là vấn đề của ngành điện tử, mà còn là tình trạng chung của nhiều ngành khác như theo thống kê của Hiệp hội Dệt may TPHCM, nhu cầu của các doanh nghiệp dệt may hiện đang cần khoảng 40.000 lao động điều hành sản xuất ở các chức danh giám đốc, quản đốc, quản lý chất lượng, thiết kế… nhưng không tìm đâu ra. Ở ngành tin học cũng trong tình trạng tương tự khi ngành cần ngay khoảng 25.000 chuyên gia phần mềm và lập trình viên, nhưng hiện nay, hệ thống đại học chỉ có thể cung cấp 5.000 chuyên gia công nghệ thông tin mỗi năm vào làm việc ngành phần mềm.
Doanh nghiệp “tìm không ra” nhưng nhân lực từ các trường đào tạo lại thừa. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, số lao động tốt nghiệp ĐH chưa xin được việc làm hiện tại vào khoảng 8.000 đến 10.000 người, nhưng số sinh viên ra trường đáp ứng được việc làm cho các doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 25%, số còn lại phải làm công việc trái ngành nghề đã học hoặc phải chờ việc.
Chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu, cơ cấu lao động tiếp tục bất hợp lý chính là “điều kiện” khiến cho thị trường lao động luôn ở tình trạng thừa mà… thiếu. Chính vì vậy, để góp phần khắc phục tình trạng này, một trong những yêu cầu cơ bản đặt ra là bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo ở khu vực đại học, cũng cần có quy hoạch chi tiết và phát triển mạng lưới các trường dạy nghề, đảm bảo đồng bộ về quy mô, cơ cấu ngành nghề và cấp trình độ đào tạo với quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, doanh nghiệp… Ông Nguyễn Tiến Dũng- Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho rằng: “Để thực hiện chỉ tiêu Chính phủ đặt ra là nâng tổng số lao động qua đào tạo đến năm 2010 là 50%, trong đó dạy nghề là 30% thì phải có các giải pháp hết sức căn bản. Đặc biệt quan tâm đến chất lượng, kiên quyết chuyển đào tạo từ hướng cung sang hướng cầu; đẩy mạnh dạy nghề thường xuyên, thực hiện triển khai dạy nghề thường xuyên và tăng cường công tác quản lý Nhà nước với đào tạo nghề tại doanh nghiệp và tại nơi làm việc.”
Hiện nay, thị trường lao động của nước ta phát triển tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, nơi có các khu công nghiệp, khu chế xuất, và ở 3 vùng kinh tế trọng điểm. Nhiều địa phương khác thì thị trường lao động còn ở mức sơ khai; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành của các địa phương chưa có sự gắn kết với kế hoạch sử dụng lao động. Đặc biệt, quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị của nhiều địa phương chưa gắn với tạo việc làm ổn định cho người lao động. Giải pháp khắc phục tình trạng này, theo ông Nguyễn Đại Đồng - Vụ trưởng Vụ lao động việc làm – Bộ lao động thương binh xã hội, các địa phương cần có sự hoàn thiện về cơ chế chính sách liên quan đến thị trường lao động. Hiện nay, Bộ Lao đọng thương binh và xã hội đang được Chính phủ giao nhiệm vụ chuẩn bị đề án về phát triển thị trường lao động để thị trường lao động phát triển phù hợp với quy luật thị trường nói chung và thị trường lao động nói riêng.
Bài toán chất lượng nguồn nhân lực, hay nói cách khác, nghịch lý “cung thừa” “cầu thiếu”, đã được đề cập nhiều trong các diễn đàn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Chúng tôi cho rằng, để nguồn nhân lực đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế, tránh tình trạng thiếu nhân lực có chất lượng, nhà trường và doanh nghiệp cần có sự “bắt tay chặt chẽ” ngay từ khâu đào tạo nhân lực. Khi đó, nhà trường sẽ có kế hoạch đào tạo đúng với nhu cầu của thị trường. Còn doanh nghiệp chủ động hơn về nguồn nhân lực cho phát triển sản xuất, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh./.