Phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát giá cả: Xăng dầu sẽ được xây dựng mức giá trần

01/03/2008

Giá xăng dầu, giá tiêu dùng tăng cao cùng các phương án kiềm chế giá cả là vấn đề được đặt ra sôi nổi tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra chiều qua.

(VOV)_ Chiều 28/2, dưới sự điều khiển của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo, thông báo những nội dung chủ yếu của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2008. Các Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cùng tham dự cuộc họp.

Thông báo lại kết quả của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra trong 2 ngày qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong hai tháng đầu năm, nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế được giữ vững, sản xuất tăng trưởng khá. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng nhưng mức tăng trưởng chậm hơn cùng kỳ năm trước; thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao, kể cả vốn ODA và FDI, đặc biệt là vốn FDI, tính chung hai tháng tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường chứng khoán có nhiều biến động theo chiều hướng giảm do nguồn cung tăng nhanh; thị trường bất động sản và thị trường vàng hấp dẫn nhà đầu tư trong khi ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng do tình hình thị trường thế giới. Thị trường tiền tệ không bị ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán mà vẫn ổn định, vốn huy động tăng 3,27%; tín dụng tăng 4,43%; tổng phương tiện thanh toán tăng 4,8%…

Sẽ xây dựng mức giá trần xăng dầu

Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của báo chí trong thời gian qua đó là vấn đề tăng giá, đặc biệt khi giá xăng dầu lại vừa được điều chỉnh tăng trong những ngày qua. Trả lời các câu hỏi của báo chí, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định: Chính phủ vẫn đang kiểm soát giá xăng dầu, không có tình trạng thả nổi. Việc tăng giá xăng giữa lúc giá cả tăng cao cũng đã được Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: "Không lẽ chúng ta chấp nhận bù lỗ. Mà bù như thế là không đúng chỗ. Nhà nước không thả nổi giá xăng dầu. Nhà nước chỉ thay đổi phương thức quản lý. Chính phủ đã giao cho doanh nghiệp tự quyết định giá bán xăng dầu, nhưng Nhà nước vẫn quản lý bằng cơ chế điều hành như: giá bán xăng không được cao hơn giá trần của Nhà nước quy định. Các doanh nghiệp Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối, với 70% tổng sản lượng xăng dầu bán ra thị trường. Nhà nước cũng chưa tính thuế với giá xăng dầu. Trong thời gian tới, liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ tính toán hình thành mặt bằng giá xăng, dầu trên cơ sở tính toán chi phí hợp lý… Từ đó, xây dựng mức giá trần cho các doanh nghiệp đăng ký”.

Về vấn đề chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong 2 tháng đầu năm, lên tới 6% Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận một phần do lỗi dự báo chưa chính xác và mục tiêu giữ lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP như Nghị quyết của Quốc hội đề ra là rất khó thực hiện. Hiện Chính phủ đang cân nhắc tìm giải pháp nhưng nỗ lực chung là sẽ đảm bảo ở mức thấp nhất. Về các biện pháp kiềm chế giá cả, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, Chính phủ đã có kịch bản để vừa đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng, vừa kiểm soát được giá cả.

Về vấn đề tăng giá điện, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ chưa bàn và nếu có bàn cũng phải đến cuối năm. Để giúp thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản phát triển, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục cho vay đầu tư chứng khoán và bất động sản trong phạm vi cho phép là 9.000 tỷ đồng, còn nếu cần sẽ xem xét cho vay thêm.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ người dân trong đợt rét đã được công bố, sắp tới Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ 30% lãi suất thương mại cho ngư dân đóng tàu mới công suất lớn, 1/3 bảo hiểm thân tàu…

Không để người dân bị đói và thiếu lương thực

Trả lời các câu hỏi của báo chí, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận đợt rét lịch sử kéo dài 38 ngày vừa qua đã gây thiệt hại chủ yếu đối với người nghèo. Tính đến thời điểm diễn ra cuộc họp báo, ông Cao Đức Phát cho biết đã có 120.000 con trâu, bò chết, chủ yếu tập trung ở các địa phương vùng cao, miền núi phía Bắc nơi tập trung đông đồng bào dân tộc sinh sống. Để khắc phục những thiệt hại do đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh sẽ có đánh giá, xem xét đề nghị Chính phủ hỗ trợ nhân dân vượt qua những khó khăn, thiệt hại từ đó ổn định cuộc sống và sản xuất, không để xảy ra tình trạng người dân bị đói.

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện các địa phương đã cơ bản gieo xong mạ xuân bổ sung và phấn đấu cấy xong trong khung thời vụ. Về vấn đề sản xuất rau sạch ở Hà Nội, Bộ trưởng cho biết: UBND Hà Nội đang xem xét phê duyệt đầu tư 5.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng vùng rau sạch; bảo đảm cung ứng sản phẩm rau sạch đúng tiêu chuẩn chất lượng và có sự kiểm soát, xử lý vi phạm về chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiến tới sản xuất rau đạt chuẩn không chỉ phục vụ trong nước mà sẽ xuất khẩu…

“Cảnh quan, môi trường và phát triển cảng nước sâu vịnh Vân Phong là quan trọng nhất”

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến dự án thép liên hợp Posco-Vinashin tại vịnh Vân Phong, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm của Chính phủ là "không làm gì ảnh hưởng đến cảng nước sâu Vân Phong và phải đảm bảo cho quy hoạch Vân Phong". Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: "Không phải nhà máy thép mà cảnh quan, môi trường và phát triển cảng nước sâu mới là quan trọng nhất".

Được biết, sau 10 năm nghiên cứu với nhiều đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước, ngày 11/3/2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng Quy hoạch chung khu vực vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành gồm: du lịch, dịch vụ, cảng, công nghiệp, nuôi trồng hải sản, mà hạt nhân là cảng trung chuyển container quốc tế. Ngày 13/7/2007, Quy hoạch chi tiết cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt sau khi được các tư vấn trong và ngoài nước thẩm tra phản biện.

Tuy nhiên, sau khi có qui hoạch chi tiết khu kinh tế Vân Phong, tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đề nghị dành toàn bộ khu vực trung tâm bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong cho tập đoàn này đầu tư xây dựng nhà máy thép liên hợp Vinashin - Posco với tổng vốn đầu tư 5,8 tỉ USD.

Ngày 15/1, Văn phòng Chính phủ có công văn yêu cầu tạm dừng khởi công cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong."để làm rõ một số vấn đề liên quan".

Ngày 23/1, Posco - Vinashin được chấp thuận về mặt chủ trương cho lập dự án nhà máy thép tại vị trí tiềm năng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong với điều kiện phải sử dụng công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường. Đồng thời, Vinalines khởi công hai bến khởi động dự án Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong để đảm bảo tiến độ dự án.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng hải và Cục Hàng hải đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại chủ trương trên vì cho rằng dự án thép không chỉ chiếm mất nhiều diện tích sử dụng cho cảng trung chuyển quốc tế và Khu kinh tế mở Vân Phong mà có thể gây ra những tác động xấu về môi trường sinh thái và độ sâu tự nhiên của vịnh Vân Phong./.

 

(http://www.vovnews.vn/)