Tăng giá xăng dầu, kèm theo các biện pháp hỗ trợ người nghèo

26/02/2008

NDĐT – Kể từ 11 giờ trưa nay, giá xăng A92 đã tăng thêm 1500 đồng tương đương 11%, giá dầu hỏa và diezel tăng 3700 đồng tương đương 37%, và dầu mazut tăng 1000 đồng. Tuy nhiên cùng với quyết định này, Nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo.

Giá xăng A92 trong hệ thống Petrolimex đã được bán tăng thêm 1500 đồng, lên 14500 đồng/lít. Nhân viên của cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở số 9 Trần Hưng Đạo cho biết, giá mới này áp dụng từ 11 giờ trưa nay.

Tại cuộc họp báo trưa nay, Liên bộ Tài chính - Công Thương chỉ thông báo giá bán mới đối với các mặt hàng dầu. Theo đó, Giá dầu hỏa và diezel tăng 3700 đồng, lên 13900 đồng/lít. Riêng dầu mazut, giá bán mới là 9500 đồng/kg, tăng 1000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng xăng, doanh nghiệp được căn cứ theo Nghị định 55 để tự xây dựng giá bán dựa theo điều kiện kinh doanh của mình sau đó thông báo cho Liên bộ Tài chính - Công Thương. Nếu thấy giá bán hợp lý thì doanh nghiệp toàn quyền áp dụng, ngược lại, mức tăng quá cao sẽ bị Liên bộ bác bỏ. Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: “Nguyên tắc lớn nhất trong điều chỉnh đợt này là áp theo giá thị trường”.

Kiên quyết điều hành giá theo cơ chế thị trường

Theo quyết định 12/2008/QĐ-BTC ngày 25-2 của Bộ Tài chính, giá bán xăng tiếp tục thực hiện theo cơ chế giá thị trường, do doanh nghiệp đầu mối tự quy định. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ giám sát mức giá này, bảo đảm giá hợp lý, không gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Còn giá bán dầu vẫn do Nhà nước quyết định, nhưng mức giá được điều chỉnh theo hướng tiếp cận giá thị trường. Như vậy, kể từ thời điểm này, cùng với giá xăng, giá dầu cũng chính thức áp dụng theo giá thị trường, Nhà nước chấm dứt việc bao cấp về giá xăng, dầu cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thừa nhận, trong bối cảnh giá cả nhiều hàng hoá đang tăng cao như hiện nay thì việc điều chỉnh tăng giá xăng, dầu lần này là khá nhạy cảm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đã tính toán các mặt và thống nhất không tiếp tục bù lỗ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu và không kéo dài việc bao cấp về giá xăng, dầu một cách tràn lan.

Ông Vũ Văn Ninh giải thích thêm, kể từ thời điểm tăng giá xăng dầu lần trước (ngày 22-11-2007) đến nay giá xăng dầu trên thị trường thế giới đã tăng khoảng 10%. Nếu giữ giá bán trong nước như hiện này thì năm 2008 kinh doanh xăng và các loại dầu sẽ lỗ lớn, ngân sách nhà nước không có khả năng cân đối để bù khoản lỗ này.

Hãng tin Bloomberg hôm nay đưa tin, giá dầu thô giao tháng tư tại thị trường New York đã tăng 89 cents, lên 99,7 USD một thùng. Dầu thô Brent trên thị trường  ICE Futures Europe của Luân Đôn cũng tăng 91 cents, lên 97,92 USD một thùng.

 Năm 2007 Nhà nước đã phải bù lỗ cho mặt hàng dầu khoảng 11 nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu trong thời gian qua cũng bị lỗ khá nhiều. Mặt khác, tiền ngân sách nhà nước bù lỗ giá dầu cấp cho doanh nghiệp về rất chậm. Chính vì thế nếu không điều chỉnh kịp thời giá bán xăng, dầu trong nước thì doanh nghiệp không có đủ tiềm lực tài chính để duy trì nhập khẩu nguồn hàng cung cấp cho thị trường trong nước. Khả năng cung ứng xăng dầu cho xã hội là rất khó khăn.

Khác với các lần điều chỉnh giá xăng, dầu trước đây, lần điều chỉnh này, liên bộ Tài chính – Công thương không đưa ra mức giá sàn hay giá trần để các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu lựa chọn quyết định. Ngược lại, các doanh nghiệp đăng ký giá bán với liên bộ Tài chính – Công thương. Sau đó hai cơ quan quản lý nhà nước sẽ phê duyệt mức giá nếu thấy mức giá đó là hợp lý trên cơ sở tính đúng, tính đủ giá nhập khẩu, các loại thuế, phí theo quy định của pháp luật hiện hành, chi phí kinh doanh và lợi nhuận hợp lý để tái đầu tư… Với phương thức điều hành giá mới này, giá xăng có thể khác nhau tùy theo từng doanh nghiệp.

Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, phương pháp điều hành giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường này đem lại nhiều lợi ích cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Cẩm Tú nói: “Nhà nước sẽ không phải chi một khoản ngân sách lớn để bù lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Ngược lại, Nhà nước chủ động sử dụng nguồn vốn ngân sách này để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội”.

Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp khác có động lực để đổi mới công nghệ, tiết kiệm nhiên liệu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Cẩm Tú cũng khẳng định, cơ chế điều hành giá xăng dầu theo tín hiệu thị trường hạn chế tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu liên kết với nhau tăng giá quá cao, làm hại người tiêu dùng bởi có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước.

Về cơ chế điều hành giá xăng, dầu trong tương lai, ông Vũ Văn Ninh cho biết, giá xăng dầu sẽ tiếp tục được thực hiện theo cơ chế thị trường, do doanh nghiệp tự quyết định. Tuy nhiên trong điều kiện giá xăng, dầu thế giới thay đổi thường xuyên, để tránh việc điều chỉnh liên tục giá bán xăng, dầu trong nước, liên bộ Tài chính – Công thương sẽ trình Chính phủ cơ chế cho phép doanh nghiệp thành lập quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Dự kiến trong quý I cơ chế này sẽ được áp dụng ngay.

Giảm tác động của việc tăng giá đến đời sống nhân dân

Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, việc tăng giá xăng, dầu lần này dự báo sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng từ 0,4%-0,5%. Tuy nhiên cùng với việc điều chỉnh giá, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người nghèo, các đối tượng chính sách gặp khó khăn, bảo đảm cuộc sống, tiếp tục duy trì phát triển sản xuất.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, ngư dân là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tăng giá dầu. Vì vậy Nhà nước sẽ hỗ trợ ngư dân có tiến hành hoạt động khai thác hải sản thường xuyên liên tục, với mức hỗ trợ (cấp tiền) một phần chi phí tăng thêm về giá dầu cho chuyến đi biển của ngư dân. Bên cạnh đó cũng có nhiều hình thức hỗ trợ khác cho ngư dâu như hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho tàu cá và thuyền viên (hỗ trợ 33% phí bảo hiểm thân tàu phải nộp hằng năm và hỗ trợ 100% phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên); hỗ trợ ba năm bằng tiền trực tiếp cho ngư dân tương ứng với 30% lãi suất vay ngân hàng để đầu tư thay máy tàu tiêu hao ít nhiên liệu; hỗ trợ mua, đóng mới tàu cá có công suất lớn…

Không chỉ ngư dân, đối tượng người nghèo, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số cũng tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ như mở rộng diện hỗ trợ và cấp không thu tiền 5 lít dầu/hộ/năm cho các hộ dân ở những nơi chưa có điện lưới; hỗ trợ tiền điện tương đương 5 lít dầu/hộ/năm cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào thuộc diện chính sách; thực hiện cấp học bổng theo mức 1/3 lương tối thiểu cho học sinh dân tộc các trường nội trú; hỗ trợ học sinh mẫu giáo 70 nghìn đồng/tháng/học sinh, và học sinh phổ thông học bán trú con hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn và thôn bản đặc biệt khó khăn ở khu vực II 140 nghìn đồng/tháng/học sinh…

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục miễn giảm các loại thuế cho nông dân, ngư dân; rà soát bãi bỏ hoặc giảm một số khoản phí, lệ phí; mở rộng cho vay ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm cho các hộ nghèo; tiếp tục tăng mức đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ cho nông dân thông qua các chương trình 134, 135…

 

 

THU HÀ

(http://www.nhandan.com.vn/)