(VOV)_ Tham dự diễn đàn có ông Daisuke Matsunaga, Quyền Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, đại diện các Bộ, cơ quan ngang bộ, các học giả, nhà nghiên cứu và đại diện khối doanh nghiệp lớn ở Việt Nam và khu vực với mục tiêu cùng chia sẻ kinh nghiệm hội nhập kinh tế Đông Á của một số nước láng giềng, thảo luận và tìm ra cơ hội, triển vọng để Việt Nam tham gia tích cực hơn nữa vào mạng lưới sản xuất trong khu vực, đặc biệt là ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) dọc theo Hành lang Kinh tế Đông - Tây.
Tại diễn đàn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Đinh Văn Ân cho biết: Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) được thành lập theo sáng kiến của Nhật Bản tại hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ hai được tổ chức ở Cebu, Philippines, tháng 1/2007 nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa liên kết kinh tế ASEAN và cả khu vực Đông Á. Đối tượng nghiên cứu của ERIA là một không gian kinh tế năng động và rộng lớn gồm 16 nền kinh tế là 10 nước ASEAN, 3 nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Ấn Độ và 2 nước Thái Bình Dương là Australia và New Zealand.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đánh giá cao nỗ lực xây dựng chương trình hoạt động tương đối toàn diện của Viện ERIA, trong đó có cấu phần quan trọng là hỗ trợ các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) thu hẹp khoảnh cách phát triển. Thực tế cho thấy sự phát triển không đồng đều giữa các nước sẽ là trở lực và thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ khi quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng. Do vậy, việc giúp đỡ các nước CLMV thu hẹp khoảng cách phát triển một cách có hiệu quả, không chỉ tăng cường năng lực cạnh tranh cho ASEAN mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững và hội nhập thành công của cả khu vực Đông Á. Ông Tú nhấn mạnh, chiến lược hỗ trợ các nước CLMV của ERIA cần phải được kết hợp hài hoà với các khuôn khổ hợp tác khác như hợp tác Hành lang Đông Tây, hợp tác giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar,... để các lợi ích được phát huy tối đa.
Quyền Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Daisuke Matsunaga khẳng định: Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong 5 - 6 năm qua. Việt Nam đã trở thành địa điểm ngày càng hấp dẫn đối với nước ngoài, đặc biệt là các ngành sản xuất. Và như vậy Việt Nam sẽ là quốc gia có thể đóng vai trò quan trọng trong ERIA bằng cách chia sẻ thành công với các quốc gia khác.
Tại diễn đàn, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và đại diện khối doanh nghiệp lớn ở Việt Nam và khu vực sẽ chia sẻ kinh nghiệm hội nhập kinh tế Đông Á của một số nước láng giềng, thảo luận và tìm ra cơ hội và triển vọng để Việt Nam tham gia tích cực hơn nữa vào mạng lưới sản xuất trong khu vực, đặc biệt là ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) dọc theo Hành lang Kinh tế Đông Tây.
Theo JETRO, nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực Đông Á, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất thành lập ERIA và đã được Hội nghị Thượng đỉnh các nước Đông Á họp tại Singapore nhất trí vào tháng 11 năm 2007. ERIA là sự phối hợp của 16 viện nghiên cứu kinh tế của các nước ASEAN và Đông Á, Ban thư ký ASEAN và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Những kết quả nghiên cứu của ERIA vừa có thể củng cố và thúc đẩy toàn khu vực Đông Á phát triển thành một khối liên kết kinh tế vững mạnh, đồng thời có thể đề xuất chiến lược phát triển cho từng quốc gia trong khu vực.
Mục đích chính của ERIA là trở thành một cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc tế chung có nhiệm vụ nghiên cứu chính sách, hội nhập kinh tế và tư vấn các vấn đề thực tế về chính sách. Các đề xuất chính sách của ERIA đặc biệt quan tâm đến thúc đẩy thương mại và đầu tư, ngoài ra ERIA cũng chú trọng vào các nội dung phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cải thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường…/.