(VOV)_ Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế như Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Hội Hữu nghị Anh- Việt…
Phát biểu tại cuộc họp, Bà Tôn Nữ Thị Ninh (trưởng đoàn đối thoại phía Việt Nam) khẳng định Nhóm đối thoại kênh II Hoa Kỳ-Việt Nam sẽ hoạt động độc lập, khách quan, tách khỏi vụ kiện da cam, song sẽ góp phần tạo thêm sức ép khách quan về tinh thần tác động đến các công ty hóa chất Mỹ.
Ông Charles Bailey, Giám đốc Sáng kiến Đặc biệt về Chất độc Da cam/Dioxin của Quỹ Ford cho biết, trong hai năm tới Quỹ sẽ dành 7,5 triệu USD cho các dự án liên quan đến dioxin. Trong suốt 7 năm qua, Quỹ đã dành 4,5 triệu USD cho hoạt động này.
Nhóm đối thoại kênh II Hoa Kỳ-Việt Nam được khởi xướng hồi tháng 6/2007 do quỹ Ford tài trợ; nhằm mục đích xây dựng những giải pháp thực tiễn để khắc phục những hậu quả từ hàng triệu lít chất độc da cam và các chất diệt cỏ mà Quân lực Hoa Kỳ đã rải xuống đất nước Việt Nam. Đây là một sáng kiến phi chính phủ nhằm mục đích đề xuất các hành động và hưởng ứng nhân đạo chung của hai bên đối với vấn đề Chất độc da cam khi đối thoại qua con đường ngoại giao chính thức còn gặp nhiều khó khăn.
Nhóm đối thoại đã xác định 5 lĩnh vực ưu tiên trong 2 năm hoạt động của mình là: Hỗ trợ việc tẩy độc dioxin tại các căn cứ quân sự cũ của Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng như các chương trình sinh kế và y tế cho các cộng đồng xung quanh các khu vực đó; Hỗ trợ cho các trung tâm điều trị và dạy học cho các nạn nhân chịu các chứng rối loạn liên quan tới dioxin; Xây dựng phòng Thí nghiệm, xét nghiệm dioxin tại Việt Nam; Mở các lớp tập huấn cho một số địa phương, tập trung vào việc khôi phục môi trường đất bị ảnh hưởng bởi các chất diệt cỏ tại miền Trung và Nam Việt Nam; Giáo dục và vận động nhằm huy động sự hỗ trợ cho các nỗ lực đang diễn ra./.