(VOV)_ Ngày 5/9 hàng năm là ngày cả nước đưa trẻ đến trường. Đối với trẻ em bước vào lớp 1 thì năm học mới với những ngỡ ngàng, niềm vui xen lẫn khi lần đầu tiên tiếp xúc với môi trường sư phạm sẽ là những kỷ niệm đẹp, để lại nhiều ký ức khó quên cho tuổi thiếu nhi của các em. Năm học mới với những học sinh, sinh viên là dịp gặp lại thày cô, bạn bè sau 3 tháng nghỉ hè. Còn năm học mới đặt ra cho ngành Giáo dục nói chung và thày cô giáo cả nước nói riêng những yêu cầu và trách nhiệm mới đối với sự nghiệp Trồng người.
Thực hiện tốt cuộc vận động “4 không”
Năm học này, cả nước đón khoảng gần 22 triệu học sinh, sinh viên đến trường. Để năm học mới thực sự đi vào nền nếp với chất lượng giảng dạy và học tập đạt hiệu quả, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã đưa ra những phương hướng cho năm học một cách cụ thể. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”, đồng thời thực hiện cuộc vận động “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và khắc phục tình trạng ngồi nhầm lớp cho học sinh”. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, thanh tra Bộ Giáo dục-Đào tạo cùng các trường học tổ chức nhiều đợt kiểm tra kiến thức của học sinh. Nếu phát hiện những học sinh nào năng lực học tập yếu kém thì nhà trường sẽ để học sinh đó phải học lại.
Trong năm học mới 2007-2008, cả nước đón khoảng 3 triệu trẻ em đến trường mầm non. Do vậy, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm giáo dục mầm non, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển mẫu giáo 5 tuổi ở những vùng khó khăn, đảm bảo tất cả trẻ 5 tuổi đều được học mẫu giáo và làm quen với tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Bên cạnh đó là tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc Tiểu học theo nhiều mô hình giảng dạy như: Để cho học sinh học theo nhóm, tăng giờ thực hành cho các em...
Theo ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, trong năm học mới, chương trình giáo dục theo hình thức phân ban được thực hiện tại các trường Trung học phổ thông cũng sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm học mới này với mục tiêu mà ngành Giáo dục đề ra là để cho học sinh chọn lựa ban học đúng với năng lực và khả năng. Đối với học sinh lớp 12 thi trượt tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bộ Giáo dục-Đào tạo chỉ đạo cho các trường thực hiện để cho học sinh học lại hoặc định hướng nghề nghiệp cho các em. Với những học sinh giỏi, công tác đào tạo cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm tạo tiền đề cho việc bồi dưỡng nhân tài.
Trong năm học mới 2007-2008 này, nhằm giúp trẻ giảm bớt áp lực học tập căng thẳng, Bộ Giáo dục-Đào tạo có chủ trương giảm nghỉ Hè, tăng nghỉ Tết, nghỉ Đông. Theo đó, Bộ chỉ đạo các địa phương phải đảm bảo có ít nhất 35 tuần thực học, trong đó học kỳ I có ít nhất 18 tuần thực học, học kỳ II có ít nhất 17 tuần thực học.
Đảm bảo cơ sở vật chất trường, lớp học
Song song với nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác kiên cố hoá trường, lớp học; nâng cấp những phòng học ở những vùng miền khó khăn, vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết: Để thực hiện tiếp chương trình kiên cố hoá trường lớp học, mục tiêu đề ra đối với ngành Giáo dục là tập trung thực hiện thanh toán phòng học 3 ca mới phát sinh, phòng học nhờ, mượn, các loại phòng học tạm thời (bao gồm cả phòng học tạm thời tranh tre nứa lá). Theo đó, từ nay đến năm 2010, Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ cùng các địa phượng thực hiện xây mới và nâng cấp khoảng 59.340 phòng học. Để thực hiện mục tiêu này, số vốn đầu tư dự kiến là khoảng 7.714 tỷ đồng, ước tính 130 triệu đồng/phòng học.
Ngày 5/9 hàng năm được coi là ngày cả nước đưa trẻ đến trường, Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông, tạo không khí phấn khởi cho học sinh, sinh viên trong ngày tựu trường.
Với những mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra, Bộ Giáo dục-Đào tạo hy vọng năm học mới 2007-2008 sẽ là một năm học thắng lợi, gặt hái được nhiều thành công./.