Liệu pháp chặn “cơn bão giá”

18/08/2007

Trước diễn biến tăng giá trong thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã thực hiện những biện pháp mạnh, thậm chí gây “sốc” để kiềm chế tăng giá. Liệu các biện pháp này có kiểm soát được thị trường những tháng cuối năm?

Hoạt động điều hành giá còn bất cập

(VOV)_ Đến nay, những nhận định và dự báo về lạm phát đã có sự khác biệt so với nhìn nhận vào cuối năm 2006, đầu 2007. Hồi đầu năm, các dự đoán đều cho rằng, chỉ tiêu lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng, nhưng nhiều người nghĩ chỉ thấp hơn 6,5%. Hiện nay, với sự leo thang của giá cả và chỉ số giá 7 tháng đầu năm tăng tới 6,19%, khiến những dự báo  trên không còn chính xác. Ngay trong tháng 3/2007, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đã chỉnh sửa lại dự báo và cho rằng, lạm phát năm nay sẽ ở mức 7,7%. Trong khi đó, một số chuyên gia khác thì đưa ra dự báo, lạm phát năm nay có thể đạt mức 2 con số. Vậy, tại sao lạm phát trong những tháng đầu năm lại có sự gia tăng “vượt dự báo” như vậy?

Theo ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính, có ba nguyên nhân khách quan và ba nguyên nhân chủ quan khiến giá tăng, gồm: Về khách quan, giá thị trường thế giới tăng, sức mua trong nước phát triển mạnh và dịch bệnh gia súc phức tạp; Về chủ quan, Nhà nước tăng giá vật tư đầu vào điện, xăng, than... đã đẩy chỉ số giá thêm 0,33%; Các yếu tố về tiền tệ như: đầu tư nước ngoài, chính sách dự trữ ngoại tệ, tỉ giá... và thị trường bị lũng đoạn.

Mặc dù chính sách điều hành giá của Chính phủ đã mang tính thị trường và “sốc hơn”, thông qua việc bãi bỏ kiểm soát hành chính một loạt giá đầu vào quan trọng của nền kinh tế, như: giá điện, xăng dầu; đồng thời, đã sử dụng công cụ thuế nhập khẩu các mặt hàng như: xăng, dầu một cách chủ động và linh hoạt, bám sát biến động thị trường cả trong và ngoài nước hơn… Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, vẫn nhận thấy có sự bất cập nhất định trong hoạt động của Tổ Điều hành giá cả, biểu hiện rõ nét và tập trung nhất là ở quan điểm và cách thức “bắt mạch”, dự báo xu hướng biến động giá, cũng như ở sự sẵn sàng và hiệu quả của đơn thuốc được kê cho các tình huống giá cả phát sinh.

Ngoài ra, sự bất cập trong điều hành giá của Chính phủ còn thể hiện ít nhiều ở sự lúng túng, thậm chí chưa rõ ràng trong việc thiết lập cơ chế thị trường cạnh tranh đầy đủ, có sự kiểm soát hiệu quả của Chính phủ trong các lĩnh vực chưa có sự tự do hóa cao như ngành than và kinh doanh xăng dầu, và một số mặt hàng khác.

Giải pháp nào chặn “cơn bão giá”?

Chỉ hơn 10 ngày thực hiện Chỉ thị 18 của Chính phủ, các Bộ đã triển khai nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị của ngành và hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện. Biện pháp đầu tiên mà Bộ Tài chính áp dụng là giảm thuế hàng loạt các mặt hàng với mức giảm lớn và tốc độ cao. Đây được xem là biện pháp "sốc" và Bộ Tài chính tin rằng, sẽ sớm phát huy tác dụng, tác động mạnh đến thị trường và giá cả. TS. Võ Trí Thành, Trưởng ban nghiên cứu Hội nhập kinh tế Quốc tế – Viện Quản lý kinh tế TƯ, cho rằng: “Với một mức giá của thế giới, việc giảm thuế này sẽ làm giảm giá cả hàng hoá. Nhưng nếu giá thế giới vẫn tăng, việc giảm thuế này sẽ không còn nhiều ý nghĩa, thậm chí giá cả hàng hoá vẫn có thể tăng”.

Cùng với việc giảm thuế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thực hiện việc thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát, không để các chủ thể sản xuất kinh doanh lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước, lợi dụng sự biến động của thị trường để tăng giá bất hợp lý. Theo kế hoạch, công việc sẽ kết thúc trong tháng 8. Kết quả cuối cùng được báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng vào đầu tháng 9 tới. Thực tế cho thấy, điều mà người dân mong muốn nhất hiện nay là, những trường hợp tăng giá vô lý làm ảnh hưởng xấu đến cả nền kinh tế phải được phát hiện và xử lý nghiêm theo pháp luật. Nhưng để làm được việc đó thì không đơn giản chút nào. Đơn cử như mặt hàng xăng dầu, chính Bộ Thương mại (cũ) đã tuyên bố sẽ công khai giá nhập khẩu, cách tính giá xăng dầu... để người dân giám sát. Thế nhưng, cho đến nay, lời tuyên bố ấy vẫn không được thực hiện.

Theo TS. Võ Trí Thành, nhìn tổng thể, có 3 khía cạnh để giải bài toán lạm phát, đó là: ổn định kinh tế vĩ mô - liên quan đến các chính sách vĩ mô; môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi, giảm được các chi phí giao dịch; cuối cùng là phát triển hệ thống tài chính lành mạnh, trong đó cần chú trọng đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản. TS. Thành cũng cho biết một trong những thất bại liên quan đến tài chính là người dân quá kỳ vọng vào lạm phát, cho rằng lạm phát thì sẽ tăng lương; Cứ thế, sự kỳ vọng về lạm phát ngày càng tăng lên. Vì thế, công cuộc chống lại lạm phát rất khó khăn. Ngoài ra, TS. Thành còn nhấn mạnh đến khía cạnh nâng cao hiệu quả đầu tư để giảm cung tiền ra thị trường. “Hiện nay, chi phí đầu tư của Nhà nước rất lớn, chiếm khoảng 50% tổng đầu tư toàn xã hội. Nếu các doanh nghiệp này biết sử dụng hiệu quả vốn đầu tư thì vẫn đảm bảo tăng trưởng cao, trong khi giảm được tổng cầu, tức sẽ giảm được áp lực tăng lạm phát” – TS. Thành nói.../.

 

 

Khương Lực

(http://www.vovnews.vn/)