Đồng thời cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí nhằm công khai, minh bạch các chỉ số giá tiêu dùng... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc với các bộ ngành TƯ về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường ngày 12-8 tại Văn phòng Chính phủ.
Trước cơn sốt tăng giá, người tiêu dùng rất cân nhắc trong chi tiêu hàng ngày. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2007 đã tăng 6,19% so với tháng 12-2006 và tăng 8,39% so với tháng 7-2006. Đây là mức tăng cao hơn tốc độ tăng 4,4% của cùng kỳ năm 2006.
Tuy nhiên, không có đột biến về giá xảy ra và mức tăng vẫn trong tầm kiểm soát, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô trong 7 tháng qua.
Nguyên nhân đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao là do giá thị trường thế giới tăng, kéo giá trong nước tăng theo. Thiên tai dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Nhà nước thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số loại vật tư đầu vào cơ bản của nền kinh tế (điều chỉnh giá bán điện, tăng 2 lần giá bán xăng, điều chỉnh giá bán than), dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều làm tăng cung ngoại tệ...
Để giải quyết tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 1-8-2007 về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường. Chỉ hơn 10 ngày qua, các bộ đã triển khai nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị của ngành và hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện. Bộ Tài chính đã tổ chức ngay các đoàn kiểm tra chi phí sản xuất, giá thành, các yếu tố hình thành giá của những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đang có giá tăng cao không hợp lý. Kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng hóa dịch vụ theo giá niêm yết và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá theo quy định của pháp luật. Tạm thời giữ ổn định giá đối với những hàng hóa dịch vụ thuộc quyền định giá của địa phương trên cơ sở đẩy mạnh các biện pháp tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và giá thành như: Cước vận tải hành khách bằng xe buýt, giá nước sạch... tăng cường kiểm soát chi, chấn chỉnh kịp thời việc chấp hành đúng các quy định về biện pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng và chi tiêu ngân sách Nhà nước.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các bộ ngành TƯ đã khẩn trương triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg và bám sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,2%-8,5% để đưa ra các mục tiêu kiểm soát lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng. Thủ tướng nhận định: Hơn 6 tháng qua, tăng trưởng kinh tế đạt 7,87%, trong đó chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,19% vẫn trong tầm kiểm soát và đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nếu sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các bộ ngành quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, kiểm soát tốt tỷ giá, cân đối hàng hóa xuất nhập khẩu và chủ động thông tin định hướng dư luận... thì chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng ở mức thấp hơn.
Thủ tướng nêu bật những khó khăn trong những tháng cuối năm là tình trạng giải ngân chậm ở các dự án, nhập siêu, giá cả tăng cao so với cùng kỳ... Đồng thời, chỉ đạo cụ thể từng bộ ngành chức năng nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường dưới mức tăng trưởng kinh tế là 8,5%. Theo đó, Bộ NN-PTNT chỉ đạo để tăng nhanh sản lượng nông nghiệp vụ thu-đông, vụ mùa sắp tới và thực hiện mọi biện pháp dập dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng ở gia súc, bệnh tai xanh ở heo và tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện kịp thời, khoanh vùng xử lý các ổ dịch bệnh ngay từ khi mới xuất hiện. Thực hiện các giải pháp đồng bộ mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại, góp phần hạn chế nhập siêu. Tổ chức tốt và bảo đảm thị trường, hàng hóa lưu thông thông suốt và tháo gỡ khó khăn về tình trạng giải ngân chậm, ách tắc trong giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh cải cách hành chính trong thu hút đầu tư, đẩy nhanh xuất khẩu và đảm cung-cầu.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phải tính toán không để xảy ra tình trạng khan hiếm các mặt hàng chiến lược thiết yếu như: lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, xăng dầu... Riêng về điều chỉnh giá đối với một số mặt hàng, Thủ tướng đồng ý xem xét giảm giá bán xăng khi giá xăng dầu thế giới giảm và giữ nguyên giá bán than.