Đoàn đã làm việc với Thường trực HĐND, UBND tỉnh; Thường trực HĐND, UBND thị xã Kon Tum, huyện Đăk Tô; Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh.
Qua giám sát cho thấy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều văn bản nhằm chỉ đạo thực hiện công tác xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và đã đạt được một số kết quả về công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; Phòng chống dịch bệnh và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; Khám chữa bệnh, đào tạo cán bộ y tế; Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho các cơ sở y tế...
Thay mặt Đoàn giám sát, PCN Lương Phan Cừ đánh giá cao những kết quả tỉnh Kon Tum đã đạt được trong việc đầu tư, thu hút một số dự án để nâng cấp trang thiết bị phục vụ cho công tác khám và điều trị; Công tác đào tạo nguồn nhân lực; Công tác y tế dự phòng... Song vẫn còn một số hạn chế cần quan tâm như: Nhận thức về xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn hạn chế; Chính quyền cơ sở chưa có kế hoạch để triển khai thực hiện chính sách pháp luật xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; Hệ thống y tế tư nhân còn nhỏ, lẻ; Còn tư tưởng bao cấp, trông chờ... Thời gian tới, Kon Tum cần triển khai rộng rãi chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở các cấp, các ngành, các đoàn thể; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương xã hội hóa; Nghiên cứu để có chính sách khuyến khích các bác sỹ về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; Chính sách phát triển y tế tư nhân...