Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng cần phải có những tính toán kỹ lưỡng, từ đó đưa ra những lộ trình thực hiện hợp lý, giảm thiểu những tác động xấu có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế……
Trong điều kiện phải nhập khẩu 100% xăng, dầu như hiện nay, nền kinh tế của nước ta phải chịu một tác động không nhỏ từ sự tăng, giảm của giá dầu thế giới. Trong năm nay, các chuyên gia kinh tế hàng đầu trên thế giới đều có chung nhận định rằng giá dầu thế giới sẽ biến đổi rất khó lường, điều này được minh chứng khi giá dầu trên thế giới đã có lúc vượt ngưỡng 100 USD/thùng ngay trong những ngày đầu năm. Thậm chí, tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Goldman Sachs còn đưa ra dự đoán rằng giá dầu thế giới vào cuối năm 2008 có thể lên tới 105 USD. Và với những diễn biến khó lường như thế này, thì lộ trình thực hiện quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường sẽ cần phải tính toán kỹ lưỡng, nếu không sẽ gây áp lực rất lớn đối với nền kinh tế trong nước.
Trong năm 2007, các biện pháp điều hành giá xăng dầu của chúng ta rất bị động. Trong suốt 14 tháng, giá dầu diezen, mazút giữ ổn định, bất chấp trên thế giới giá dầu diezen tăng 61%, giá dầu mazút tăng 85%. Kết quả là khi nguồn ngân sách nhà nước không còn sức để bù lỗ nữa thì mức giá xăng dầu được điều chỉnh tăng đột biến: giá mazút tăng 42%, giá diezen tăng 17% và giá xăng tăng 15%. Nếu như giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh từ từ theo giá thế giới thì người dân sẽ không bị bất ngờ. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng đang nhanh chóng nghiên cứu và triển khai đề án điều hành giá bán lẻ xăng, dầu, trong đó sẽ đưa vào hoạt động quỹ bình ổn xăng dầu trong năm nay. Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ Trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Đề án này có tác dụng bình ổn giá xăng dầu ở mức độ nhất định, đảm bảo cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có hiệu quả, không quá bị lỗ, đồng thời đáp ứng yêu cầu ổn định thị trường và bảo vệ người tiêu dùng”.
Việc thực hiện đề án xăng dầu này là một bước chuẩn bị quan trọng trong việc thực hiện lộ trình đưa giá xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường. Theo đó, khi giá xăng dầu ở mức thấp thì doanh nghiệp đóng góp một phần lãi vào quỹ; và đến khi giá xăng dầu tăng thì quỹ sẽ là nguồn hỗ trợ một phần thiệt hại cho doanh nghiệp, nhằm giữ giá xăng dầu không tăng quá cao. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước sẽ không phải điều chỉnh ngay giá bán, mỗi khi giá thế giới biến động, các biện pháp điều hành giá xăng dầu sẽ chủ động hơn. Tuy nhiên để giá xăng dầu có thể thực sự theo cơ chế thị trường thì vai trò của các doanh nghiệp, khi thực hiện Nghị định 55 của chính phủ về kinh doanh xăng dầu cần phải nâng cao hơn. Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam: “Thực tế, các doanh nghiệp hoàn toàn không có quyền gì trong việc xác định và hoạch định giá, và cơ chế của tổ điều hành trong việc xác định giá thì quyền tự chủ vẫn phải báo cáo, khi báo cáo được rồi thì mới được phép tăng giá.. Với cơ chế này thì sẽ không vận hành được. Khi chúng ta có một quyết định thì lúc đó giá đã ở rất cao, hoặc lại xuống quá thấp. Kết quả là lúc giá thế giới lên cao thì chúng ta hạ giá, lúc giá thế giới bắt đầu ổn định và xuống thấp thì chúng ta lại tăng giá”.
Thực hiện việc quản lý giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường là nhiệm vụ quan trọng cần phải làm, để nền kinh tế nước ta thực sự hội nhập với nền kinh tế thế giới. Vấn đề quan trọng là phải tuỳ vào tình hình cụ thể, từ đó đưa ra lộ trình thực hiện hợp lý, đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: “Chính phủ đã quyết tâm thực hiện điều hành giá cả theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên việc thực hiện phải từng bước và có lộ trình hợp lý. Sau mỗi bước đi, chúng ta cần phải kiểm tra sức khoẻ của các thành phần kinh tế. Phải đảm bảo sự ổn định bền vững chứ không thể nhắm mắt mà thả ra được”.
Năm 2008, đặt ra cho chúng ta rất nhiều những khó khăn cần phải vượt qua nhằm thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra, trong đó có nhiệm vụ đưa giá xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường./.