(VOV)_Tiếp tục chuyến công tác tại một số tỉnh Tây Bắc, trong 2 ngày 2-3/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Quốc hội thăm, làm việc tại tỉnh Lai Châu. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội khẳng định "Lai Châu cố gắng hơn nữa, vượt qua khó khăn, gắn phát triển kinh tế với nâng cao đời sống của bà con các dân tộc, quan tâm tới bà con di dân tái định cư phục vụ các công trình thuỷ điện.
Tới thăm khu tái định cư Huổi Luông, thị trấn Phong Thổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các thành viên của Đoàn công tác ân cần hỏi thăm nơi ở mới của bà con. Với 3 khu di dân tái định cư gồm Thèn Chồ, Thèn Na và Chiềng Na, tổng số hộ di dời đến nơi ở mới tại thị trấn Phong Thổ là hơn 700 hộ. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nuớc, lãnh đạo tỉnh Lai Châu và thị xã Phong Thổ đã sớm triển khai giải phóng mặt bằng, đón nhân dân về định cư. Đến nay gần 200 hộ dân đã đến nơi ở mới, đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt, với diện tích nhà ở 400 mét vuông một hộ, bắt đầu được nhận đất sản xuất. Trường tiểu học Thèn Chồ cũng đã hoàn thành và bắt đầu đưa vào hoạt động, hệ thống điện, nước mặc dù còn khó khăn những bước đầu đáp ứng được yêu cầu của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với bà con về cuộc sống mới, nơi ở mới. Bà con bày tỏ vui mừng đón Chủ tịch đến thăm, khẳng định một lòng theo Đảng, quyết tâm xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp, khang trang hơn. Bà con cũng mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chính sách quan tâm hơn nữa tới đồng bào khu tái định cư, nhất là cơ sở hạ tầng, điện nuớc và đất sản xuất.
Trong chuyến công tác tại Lai Châu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm cán bộ chiến sĩ Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh; thăm cán bộ công nhân viên Công ty cổ phần trà Thân Thuộc; thăm Ban quản lý cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng và nói chuyện với giáo viên, học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú Lai Châu. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với những khó khăn của những cán bộ, chiến sĩ, giáo viên của một tỉnh miền núi mới chia tách, còn gặp nhiều khó khăn.
Nói chuyện với cán bộ Ban quản lý cửa khẩu Ma Lù Thàng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cùng với việc đẩy mạnh giao lưu kinh tế, thương mại, cán bộ, nhân viên Ban quản lý cần đặc biệt quan tâm vun đắp mối quan hệ giữa Việt Nam với nước bạn. Tại Công ty cổ phần trà Thân Thuộc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh "công ty phải giúp dân trong vùng tiêu thụ nguyên liệu, hướng dẫn kỹ thuật, trồng trọt cho bà con, giúp đồng bào các dân tộc xoá đói giảm nghèo, xây dựng thương hiệu chè của vùng đất Than Uyên". Nói chuyện với giáo viên, học sinh của trường trung học dân tộc nội trú tỉnh, Chủ tịch Quốc hội mong rằng "Lãnh đạo tỉnh, Nhà trường cần tạo điều kiện tốt để con em đồng bào các dân tộc học tập, rèn luyện để sau này xây dựng quê hương Lai Châu.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Lai Châu. Sau 3 năm tách tỉnh, Lai Châu đang từng bước khắc phục khó khăn của một tỉnh miền núi, địa bàn rộng và chia cắt, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Đáng mừng là nền kinh tế của Lai Châu trong 3 năm qua bình quân đạt hơn 10%, các lĩnh vực khác đều có mức tăng trưởng khá, ngày càng ổn định và phát triển. Từ những khó khăn của một tỉnh mới, lãnh đạo tỉnh Lai Châu kiến nghị Trung ương tiếp tục đầu tư vốn để phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng, có chính sách ưu tiên cho đạo tạo cán bộ các tỉnh miền núi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các thành viên trong đoàn công tác Quốc hội cũng chia sẻ với những khó khăn mà Lai Châu đang phải đối mặt qua đó biểu dương tinh thần vượt khó của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu. Là tỉnh miền núi mới chia tách, không thể tránh khỏi nhưng khó khăn, tỉnh cần biết phát huy thế mạnh của mình để đi lên. Biểu duơng tinh thần tìm tòi, có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, mang tính đột phá, phù hợp với điều kiện địa phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "khó khăn thì đã rõ, nhất là tỷ lệ hộ nghèo còn tới 60%. Trung ương sẽ cùng địa phương từng bước khắc phục. Với địa phương thì không có cách nào khác là phải biết phát huy thế mạnh của mình. Thế mạnh đó là tinh thần cách mạng, tiềm năng về thuỷ điện, khoáng sản, cây cao su, du lịch, vị trí địa lý kinh tế và quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết đồng bào các dân tộc. Nếu biết tận dụng tốt từng thế mạnh này thì Lai Châu sẽ có những bước tiến bền vững, sớm đưa tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn”.
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các Uỷ ban chức năng của Quốc hội sớm tổng hợp kiến nghị cụ thể của Lai Châu, đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết theo đúng chức năng./.