Chuẩn bị mọi phương án phòng chống bão

03/10/2007

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, hồi 4 giờ sáng nay (2/10), vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 16,5 độ vĩ bắc; 111,8 độ kinh đông, ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa.

(VOV)_ Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km/giờ), giật trên cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 4 giờ ngày 3/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,1 độ vĩ bắc; 108,6 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 60 km về phía tây nam. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 350km; vùng gió mạnh từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150km.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Như vậy khoảng sáng ngày 3/10, vùng tâm bão sẽ đi vào nam vịnh Bắc bộ. Đến 4 giờ ngày 4/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ vĩ bắc; 105,2 độ kinh đông, trên đất liền thuộc địa phận Nghệ An – Hà Tĩnh. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 300km;

Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía tây bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Biển động dữ dội. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung trung bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Biển động dữ dội. Ở các tỉnh Trung trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Trong cơn dông đề phòng tố lốc mạnh. Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương khuyến cáo, bão số 5 còn diễn biến phức tạp, vì vậy cần chú ý theo dõi các bản tin tiếp theo.

Chuẩn bị mọi phương án đối phó với bão số 5

Đối với những nơi có nguy cơ nước biển tràn vào khi có bão; nơi có thể xẩy ra lũ quét, sạt lở đất, các địa phương cần chuẩn bị phương án sơ tán dân ra khỏi nơi nguy hiểm. Các tỉnh miền Trung được dự báo bão số 5 đổ bộ vào và có mưa rất to, rất dễ xẩy ra ngập lụt, sạt lở đất, càng phải đặc biệt chú ý biện pháp sơ tán dân. Bên cạnh đó cần chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh… đủ cơ số cần thiết duy trì cuộc sống của dân khi bị nước lũ bao vây, chia cắt.

Các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão khẩn trương kiểm tra các bến đò ngang, phương tiện vận chuyển đường thuỷ nội địa, nếu đảm bảo an toàn mới cho hoạt động. Đặc biệt các đò ngang chở học sinh đi học phải có đủ phao cứu sinh và các điều kiện an toàn khác, kiên quyết không để tái diễn những vụ làm thiệt mạng hàng chục trẻ em như ở bến đò Chôm Lôm  tỉnh Nghệ An vừa qua. Rà soát lại các đập tràn qua sông suối ở miền núi, có biển hướng dẫn và cử người canh gác khi có nước lũ đổ về, không để tái diễn vụ làm chết hơn chục người khi lội qua đập tràn ở tỉnh Đắc Nông vừa qua.

Các tỉnh ven biển dự báo có bão tràn qua phải khẩn trương bồi trúc đê, kè chắc chắn hơn, chịu được sóng biển có bão cấp 10, cấp 11. Tổ chức lực lượng tuần tra canh gác theo chế độ trực bão, có đủ vật tư dự phòng theo quy chế phòng chống bão lụt. Kiên quyết không chủ quan như một số địa phương phòng chống bão số 4 vừa qua là chỉ đắp đập chắn sóng biển bằng bao cát như huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình. Các đập công trình thuỷ lợi cũng cần được kiểm tra, củng cố, bảo vệ an toàn.

Các địa phương chưa thu hoạch xong lúa mùa phải khẩn trương gặt hết trong hai ngày tới. Những diện tích lúa chưa chín hẳn cũng có thể thu hoạt theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Rút hết nước đệm trong đồng đề phòng úng ngập; Có biện pháp bảo vệ những cây vụ đông đã gieo trồng.

Để thực hiện các biện pháp trên có hiệu quả, phải huy động được lực lượng tổng hợp của các ngành, các cấp - nhất là cấp xã phường, các tổ chức đoàn thể quần chúng tham gia và từng người dân tự giác thực hiện.

Chấp hành chỉ thị của Chính phủ về phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do bão số 5 có thể gây ra, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã thành lập hai đoàn công tác liên ngành trực tiếp tham gia chỉ đạo hoạt động phòng chống bão tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hoá - những địa phương được dự báo là sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão này. Bộ Y tế cũng vừa gửi công điện khẩn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu và một số cơ quan yêu cầu khẩn trương triển khai phương án phòng chống lụt bão. Các tỉnh cần có phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và cán bộ y tế; tăng cường thuốc, hoá chất và thiết bị y tế cho những nơi có nguy cơ bị chia cắt, ngập lụt do bão, lũ. Các cơ sở điều trị tổ chức trực suốt ngày đêm, cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do bão, lũ gây ra, chuyển các đội cấp cứu cơ động vào trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. Đơn vị y tế các tỉnh phải phân công cán bộ sẵn sàng bám sát phục vụ nhân dân khi có lệnh sơ tán.

Ngư dân vẫn chủ quan trong tránh bão

Tính đến chiều qua (1/10), các lực lượng chức năng đã liên lạc được với 25.183 tầu thuyền với 164.613 ngư dân hoạt động trên biển, thông báo đầy đủ diễn biến của bão, hướng dẫn nơi tránh bão an toàn. Phần lớn số tầu đã vào nơi tránh bão và chỉ còn 2 tầu của Quảng Nam và Quảng Ngãi đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa, các địa phương đang tìm cách liên lạc gọi vào nơi tránh bão.

Tuy nhiên có một thực tế là một số ngư dân không chịu vào bờ ngay khi được thông báo có bão. Có người khi sắp có bão vẫn tìm cách trốn ra biển với lý do là lúc đó biển nhiều cá. Có người tầu đã vào bến neo đậu vẫn ở lại trên tầu trông coi. Những trường hợp như vậy rất dễ xẩy ra những cái chết không đáng có. Do đó, các lực lượng chức năng phải áp dụng các biện pháp mạnh, kiên quyết gọi tầu thuyền vào bờ, không cho người ở lại trên tầu, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản ven bờ…. khi có bão.

Kinh nghiệm qua các trận bão vừa qua, số tầu thuyền bị sóng đánh vỡ, chìm nhiều nhất là khi đã về bến. Vì thế, trong cơn bão số 5 này, cần vận động ngư dân cố gắng kéo tầu nhỏ lên bờ; Nếu không có địa điểm đưa lên bờ thì tháo máy đánh chìm xuống nước, tránh bị sóng đánh vỡ. Còn những tầu khác ở dưới nước phải chằng chéo đúng kỹ thuật, vuông góc với bờ./

 

(http://www.vovnews.vn/)