Trong danh sách trên, có gần 33,6% ứng cử viên là nữ, 19% là người dân tộc thiểu số, 32,2% là người ngoài Đảng, 7% là đại biểu Quốc hội tái ứng cử và hơn 20,6% là tự ứng cử.
Điểm đáng chú ý là số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII tăng gần 3,7 lần so với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI, với 238 người. Điều này thể hiện quá trình dân chủ trong đời sống chính trị-xã hội của đất nước, đảm bảo thực hiện tốt quyền công dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước và xã hội.
Đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã hoàn thành việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với 1.322 người trong danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII.
Trong quá trình lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm, đã có 47 người tại 12 tỉnh, thành phố làm đơn xin rút khỏi danh sách sơ bộ ứng cử, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 23 người và Hà Nội có 7 người. Có 112 người trong danh sách sơ bộ ứng cử tại 28 tỉnh, thành phố đạt tín nhiệm của cử tri nơi cư trú rất thấp, dưới 50%.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XII sẽ diễn ra chậm nhất vào ngày 15/4.