Trình bày Báo cáo của Chính phủ trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết: Năm 2006, qua thanh tra, kiểm tra (33 cuộc), Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, chi tiêu tài chính, lãng phí, thất thoát với tổng giá trị 1.560 tỷ 147 triệu đồng và 5.478.583 USD. Năm 2006, qua thanh tra 18 bộ, ngành và 64 địa phương, với 14.034 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đã phát hiện sai phạm với tổng giá trị là 4.822 tỷ 616 triệu đồng, hơn 11.346 ha đất. Ðã kiến nghị thu hồi 3.386 tỷ 101 triệu đồng, hơn 9.933 ha đất, xử phạt hành chính 69 tỷ 515 triệu đồng đối với 62.650 doanh nghiệp và cá nhân, kiến nghị xử lý hành chính 2.906 trường hợp, xử lý hình sự 92 vụ với 198 người. Kiểm toán Nhà nước, qua kết thúc 103 cuộc kiểm toán, phát hiện và kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách, ghi thu, ghi chi, đưa vào quản lý qua ngân sách 1.948 tỷ đồng, xử lý về tài chính các khoản khác 562 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra để làm rõ sai phạm trong quản lý tài chính hai đơn vị.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về vấn đề này do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Vũ Ðức Khiển trình bày, bên cạnh việc khẳng định những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cũng thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn hạn chế, bất cập. Báo cáo nêu rõ: Quyết tâm của chúng ta là rất cao, nhưng việc tổ chức thực hiện trên thực tế vẫn còn những hạn chế nhất định. Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực đã lâu nhưng đến nay vẫn còn 12 tỉnh, thành phố và 3 bộ chưa ban hành chương trình hành động thực hiện; 22 tỉnh, thành phố, hai bộ không có báo cáo kết quả thực hiện công tác này. Việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng cũng còn nhiều hạn chế, một số vụ việc xử lý chưa thật sự nghiêm minh, còn biểu hiện nương nhẹ. Việc điều tra một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, nhìn chung là chậm, còn để kéo dài, nhất là tám vụ án tham nhũng lớn...
Báo cáo của Chính phủ về triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, do Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày thừa nhận: Thời gian qua, tình trạng để đất hoang hóa hoặc sử dụng với hiệu quả thấp vẫn còn khá phổ biến. Qua triển khai thi hành Luật, tỉnh Sơn La phát hiện 29.426 m2 diện tích đất sử dụng không đúng mục đích; tỉnh Hà Tây phát hiện 93.551 m2 diện tích đất hoang hóa và 1.193.709 m2 diện tích đất sử dụng không đúng mục đích; TP Hà Nội phát hiện hơn 6,3 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích; TP Hồ Chí Minh có 390.088 m2 đất vi phạm về quản lý, sử dụng; tỉnh Ðác Lắc phát hiện 130.523 m2 diện tích đất hoang hóa và sử dụng không đúng mục đích... Ðáng chú ý, qua kiểm tra việc sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư trong năm 2006, đã phát hiện 1.649 khu vực quy hoạch "treo" với diện tích 344.665 ha; 1.206 dự án "treo" với diện tích 132.463 ha.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH Dương Thu Hương cũng chỉ rõ: Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Công tác xử lý sai phạm cũng chưa nghiêm, việc thu hồi diện tích đất vi phạm, để hoang hóa chưa được xử lý kịp thời, chưa phân định trách nhiệm giữa tổ chức và cá nhân vi phạm, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh.
Ý kiến phát biểu của các đại biểu cơ bản nhất trí với các báo cáo nói trên và đóng góp thêm một số ý kiến cụ thể. Các đại biểu: Trần Thanh Khiêm (Cà Mau), Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long), Hà Ðức Lệnh (Bắc Cạn), Trần Ðức Long (Ðác Nông), cho rằng, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và các cơ quan báo chí đã có nhiều biện pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và triển khai nhiều biện pháp cụ thể để thực hiện hai luật này. Ðã tổ chức thanh tra, kiểm tra hàng chục nghìn vụ việc và kiến nghị xử lý hành chính, xử lý hình sự nhiều đối tượng tham nhũng.
Tuy nhiên, kết quả xử lý một số sai phạm được phát hiện chưa được nghiêm minh, chủ yếu xử lý hành chính, việc xử lý hình sự các đối tượng sai phạm còn ít, đặc biệt là số tiền và tài sản bị thất thoát thu hồi được ít. Các đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh (An Giang), Trần Huy Hanh (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu khác cho rằng, cơ chế quản lý còn lỏng lẻo, chồng chéo, tạo kẽ hở cho tham nhũng, lãng phí. Ðề nghị QH, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật và các cơ chế, chính sách, loại bỏ cơ chế xin-cho để phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Ðại biểu Trần Thị Kim Cúc (Tiền Giang), đề nghị cần làm rõ thành phần, tổ chức, cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo chống tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương và để thực hiện tốt công tác này, cần tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hai luật nói trên, đồng thời với việc cán bộ lãnh đạo các cấp nêu gương trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ðại biểu Nguyễn Ðình Lộc (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương để xảy ra tham nhũng, lãng phí. Ðề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ QH nói rõ thêm, vì sao đến nay, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa triển khai và chưa có báo cáo về việc thực hiện hai luật này; chế tài xử lý các bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong công tác này như thế nào? Ðại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) đề nghị trong các Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH cần nêu rõ hơn thời gian đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã làm được gì, xử lý được bao nhiêu đối tượng tham nhũng, lãng phí, tránh làm theo phong trào, giơ cao đánh khẽ.