Cần thể chế hóa chính sách phát triển công nghiệp hóa chất
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải đọc Tờ trình dự án Luật Hóa chất, nêu rõ sự cần thiết ban hành, các quan điểm chỉ đạo cũng như quá trình xây dựng dự án luật và những nội dung của dự thảo luật. Theo đó, dự thảo luật gồm 12 chương với 63 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc hoạt động hóa chất, chính sách Nhà nước liên quan hoạt động hóa chất và các hành vi bị nghiêm cấm. Tờ trình cũng nêu các ý kiến còn khác nhau về phạm vi điều chỉnh; thẩm quyền ban hành danh mục hóa chất cấm kinh doanh, hóa chất hạn chế kinh doanh.
Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH thẩm tra dự án luật này do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trần Việt Hùng trình bày, cho biết, về cơ bản Ủy ban nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất. Ủy ban đồng tình với bốn quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Hóa chất, cho rằng, về cơ bản, dự thảo thể chế hóa được các quan điểm của Ðảng về phát triển công nghiệp hóa chất phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh - quốc phòng và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên, quan điểm 2 về "Ðiều chỉnh các hoạt động từ đầu tư, nghiên cứu, sản xuất, cho đến xử lý, thải bỏ hóa chất nhằm bảo đảm an toàn cho con người, môi trường và an ninh xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính của Nhà nước" chưa được thể hiện đầy đủ, cụ thể trong nội dung của dự thảo Luật, nhất là trong các quy định về đầu tư, nghiên cứu, sản xuất hóa chất. Ủy ban cũng đề nghị bố cục lại dự thảo cho hợp lý hơn.
Về tính khả thi của luật, theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cần được nghiên cứu, bổ sung thêm những quy định, chế tài cụ thể để tăng tính khả thi. Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ các ý kiến về một số nội dung cụ thể của dự thảo, như: về kinh doanh hóa chất, quy hoạch công nghiệp hóa chất...
Thảo luận dự án luật này, các ý kiến phát biểu đều tán thành việc ban hành Luật Hóa chất để tạo cơ sở pháp lý bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường trong hoạt động hóa chất, góp phần phát triển công nghiệp hóa chất bền vững. Tuy nhiên, về một số nội dung cơ bản của dự thảo, nhiều ý kiến chưa đồng tình. Ðại biểu Phạm Quang Dự (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhận xét, Luật Hóa chất không chỉ nhằm kiểm soát, quản lý hoạt động hóa chất mà rộng hơn là tạo hành lang pháp lý để bảo đảm phát triển công nghiệp hóa chất ở nước ta, nhưng trong dự Luật thì lại thiên về quản lý hoạt động hóa chất. Do vậy, đại biểu này và đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) cho rằng, còn thiếu chính sách phát triển công nghiệp hóa chất, thiếu vắng những quy định về sản xuất hóa chất. Nhiều ý kiến nhất trí với báo cáo thẩm tra là không nên loại trừ các sản phẩm là phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm cho người và động vật, thuốc bảo vệ thực vật khỏi phạm vi điều chỉnh của luật này. Những quy định về hành vi bị nghiêm cấm, một số ý kiến cho rằng, còn chung chung, đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong luật. Các ý kiến phát biểu cũng đề nghị chỉnh sửa về bố cục, rà soát để loại bỏ những quy định trùng lặp.
Người lao động có thể được nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
QH đã nghe Thứ trưởng LÐ-TB và XH Huỳnh Thị Nhân đọc Tờ trình của Chính phủ về việc cho người lao động nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Tờ trình nêu rõ: "Hằng năm, Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội đền Hùng được tổ chức trang trọng góp phần giáo dục truyền thống sâu sắc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tôn vinh công đức các vua Hùng, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Ðể thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" tri ân công đức tổ tiên của dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và nhân dân tham gia Giỗ Tổ Hùng Vương, Chính phủ trình QH cho người lao động nghỉ làm việc, hưởng lương trong ngày Giỗ Tổ; hơn nữa việc nghỉ thêm một ngày trong năm cũng là hợp lý, vì số ngày nghỉ của người lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn thấp". Tờ trình cũng đề nghị tên gọi ngày nghỉ là "Giỗ Tổ Hùng Vương" được thực hiện ngay vào ngày 10-3 (âm lịch) năm nay, tức là ngày 26-4-2007. QH đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Ðặng Như Lợi đọc Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về vấn đề này, trong đó nêu rõ Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH hoàn toàn nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cho người lao động nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, được hưởng nguyên lương. Các đại biểu QH không thảo luận gì thêm, biểu thị thái độ nhất trí cao đối với Tờ trình của Chính phủ.