CÂN NHẮC VIỆC ÁP DỤNG CHẾ TÀI XỬ LÝ DOANH NGHIỆP TRỐN ĐÓNG BHXH BẰNG CÁCH NGỪNG SỬ DỤNG HÓA ĐƠN VÀ HOÃN XUẤT CẢNH

18/08/2023

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện doanh nghiệp cho rằng, cần cân nhắc việc áp dụng chế tài xử lý doanh nghiệp vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội bằng cách ngừng sử dụng hóa đơn và hoãn xuất cảnh…

NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ ĐỂ HẠN CHẾ TỐI ĐA NGƯỜI LAO ĐỘNG RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI 1 LẦN

NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI: HƯỚNG TỚI 10 NĂM LÀ ĐỦ ĐIỀU KIỆN HƯỞNG LƯƠNG HƯU

Thời gian qua, việc nhiều doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đã không chỉ ảnh hưởng tới trực tiếp uy tín của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới việc đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi của người lao động. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài xử phạt, xử lý nghiêm khắc việc doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vấn đề này cũng vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến khi đóng góp vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Phiên họp thú 25.

Trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có quy định việc xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội tại khoản 2 và 3. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên. Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25.

Xung quanh nội dung trên, đại diện cho phía các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho biết, nhiều doanh nghiệp không đồng thuận với chế tài ngừng sử dụng hóa đơn và hoãn xuất cảnh. Bởi vì các chế tài này sẽ cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Quan điểm của doanh nghiệp mong muốn là nếu như có những vi phạm về mặt tài chính thì xử lý bằng những biện pháp kinh tế và tài chính là chính chứ không nên xử lý theo những hình thức như ngừng sử dụng hóa đơn và hoãn xuất cảnh.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công lý giải, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhiều khi phụ thuộc vào các yếu tố khách quan như: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh… Ví dụ một doanh nghiệp bị hỏa hoạn chẳng hạn nên chậm nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động thì có thể trở thành trốn đóng bảo hiểm xã hội nên họ bị dừng xuất hóa đơn, không hoạt động kinh doanh được nữa thì coi như mất cơ hội phục hồi. Như vậy, doanh nghiệp không thể phát triển sản xuất, kinh doanh được thì không đủ nguồn kinh phí để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Với lý lẽ nêu trên, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công đề nghị những chế tài xử lý doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội bằng cách ngừng sử dụng hóa đơn và hoãn xuất cảnh nên chuyển thành những chế tài về tài chính và có thể quy định các mức phạt sẽ tăng dần theo thời gian chậm nộp thì sẽ hợp lý hơn.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công.

Về thời hạn đóng bù bảo hiểm xã hội, trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vẫn giữ nguyên là 10 ngày. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mong muốn nếu như được thì có thể kéo dài thời hạn đóng bù bảo hiểm xã hội để khi doanh nghiệp có khó khăn thì có thời gian để xử lý, nhất là theo dự thảo Luật mới doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội rất dễ bị chuyển thành trốn đóng. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị được tiếp tục được xem xét và nâng thêm thời gian đóng bù bảo hiểm xã hội cho người lao động có thể lên 20 hoặc 30 ngày. Nếu mở rộng được thì môi trường kinh doanh sẽ hấp dẫn hơn, các doanh nghiệp cũng dễ thực hiện hơn.

Đưa ra quan điểm về chế tài xử lý doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về việc bổ sung chế tài này vì biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn không chỉ liên quan đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể phải ngừng hoạt động. Ngoài ra, việc phải ngừng sử dụng hóa đơn còn ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn, việc làm của người lao động, đến đời sống của người lao động. Đồng thời, tham khảo Điều 125 của Luật Quản lý thuế có quy định biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn nhưng chỉ áp dụng là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính và quản lý thuế. Khoản 3 Điều 44 dự thảo bổ sung chế tài cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc bổ sung biện pháp này để bảo đảm đồng bộ với các chế tài xử lý vi phạm trong hệ thống pháp luật. Ví dụ như là Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện trong trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn. Tức là có hành vi vi phạm hành chính và đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc dự thảo Luật quy định biện pháp hoãn xuất cảnh là biện pháp độc lập không gắn với biện pháp hành chính cũng không gắn với hình sự. Cho nên cần phải cân nhắc thêm về quy định này.

 Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Trước những ý kiến đóng góp về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ sẽ cố gắng phân ra 2 loại là loại chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội. Hành vi trốn đóng và hành vi chậm đóng là khác nhau và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo là sẽ nghiên cứu thêm Nghị quyết 05 của Hội đồng thẩm phán. Nghị quyết 05 cũng đã nói tương đối rõ thế nào là chậm đóng, thế nào để trốn đóng, tuy nhiên cũng chưa thực sự đầy đủ, nếu đưa vào luật thì phải cụ thể hóa hơn, chi tiết hơn.

Về chế tài xử lý doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và cơ quan thẩm tra cũng như các đơn vị hữu quan sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp từ nhiều phía để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 tới./.

Bích Lan