Tạo điều kiện cho người tự ứng cử đại biểu Quốc hội

14/08/2014

Ngày 14/8, thảo luận dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), một số ý kiến cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi cho người tự ứng cử, nhưng cần sàng lọc và người tự ứng cử phải kê khai tài sản.

Người dân phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bỏ phiếu bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh
Người dân phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bỏ phiếu bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh

Không quy định tự vận động bầu cử

Thay mặt Ban soạn thảo, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Hà Minh Sơn cho biết, có ý kiến đề nghị nên quy định việc người ứng cử tự mình vận động bầu cử thông qua tiếp xúc trực tiếp với cử tri. Nhưng cũng có ý kiến không đồng tình vì người ứng cử phần lớn do cơ quan, tổ chức giới thiệu, do vậy, những người này không có điều kiện tự mình vận động bầu cử so với những người tự ứng cử. 

“Thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác. Ban soạn thảo cho rằng, để bảo đảm sự công bằng, khách quan thì không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử”, ông Sơn nêu quan điểm. '

Các cuộc bầu cử vừa qua cho thấy, nhiều người tự ứng cử là chủ doanh nghiệp tư nhân, sơ yếu lý lịch do “cơ quan công tác” là chính doanh nghiệp đó tự xác nhận, không đảm bảo độ chính xác, thiếu tính chất pháp lý. Vì vậy, cần bổ sung lý lịch tư pháp đối với người ứng cử ĐB QH, đại biểu HĐND các cấp.

Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, bổ sung quy định Hồ sơ của người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND phải có phiếu lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe là cần thiết. Bên cạnh đó, cần quy định người tự ứng cử có kê khai về tài sản của mình.

Đừng làm khó người tự ứng cử

Để sàng lọc người tự ứng cử, Ban soạn thảo đề nghị bổ sung quy định người tự ứng cử phải được ít nhất 30% cử tri nơi cư trú (tổ dân phố/thôn) giới thiệu. Người được cơ quan, tổ chức giới thiệu có sự sàng lọc qua nhiều khâu, nhưng người tự ứng cử thì không có sự sàng lọc này, rất dễ dàng nộp hồ sơ ứng cử vào thẳng bước 3 của quy trình hiệp thương.

“Bầu cử vừa qua có địa phương như TPHCM số người tự nộp hồ sơ ứng cử tới cả nghìn người, Đồng Nai cũng mấy trăm người, trong đó có cả người ứng cử để lấy thương hiệu, hoặc là đầu óc có vấn đề”, ông Sơn nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và một số thành viên Ủy ban Thường vụ QH nói rằng, theo quy định hiện hành, người tự ứng cử cũng phải đưa ra hội nghị cử tri bỏ phiếu. Đây chính là bước sàng lọc, có đủ tín nhiệm, họ mới được đưa vào danh sách. Thêm quy định sẽ gây khó khăn cho người tự ứng cử. 

“Công dân có quyền tự ứng cử, sàng lọc sẽ do hội nghị hiệp thương. Điều quan trọng là hồ sơ lý lịch, phải thật rõ ràng, phải được kiểm tra kỹ” – Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nói. 

Điểm mới của dự thảo là quy định về Hội đồng Bầu cử Quốc gia - một thiết chế mới trong Hiến pháp. Đa số ý kiến tán thành Hội đồng Bầu cử Quốc gia là cơ quan chuyên môn do QH thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử ĐBQH; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp. 

“Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bầu cử thì giải tán hội đồng này chứ không để lại làm gì. Sau này, nếu phải bầu bổ sung đại biểu do chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính thì sẽ thành lập một hội đồng khác”, Chủ tịch QH phát biểu.

(Theo Tiền Phong Online)