HỘI NGHỊ THƯỜNG TRỰC HĐND CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LẦN THỨ 26

31/05/2017

Ngày 27/5, Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 26, với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ươngTrần Văn Túy; Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Bùi Đức Thụ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn; đại diện một số Vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội, Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Ngoài ra, có Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các ban Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Văn phòng Hội đồng nhân dân của 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đại diện lãnh đạo các Ban Đảng, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Vĩnh Long; lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 26

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long Trương Văn Sáu nhấn mạnh, việc chọn chủ đề Hội nghị góp phần đánh giá khái quát kết quả sau gần một năm tổ chức thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015và các văn bản luật mới được ban hành và có hiệu lực thi hành.

Phát biểu đề dẫn về những nội dung cần quan tâm tập trung thảo luận tại Hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểuTrần Văn Túy nhấn mạnh yêu cầu các đại biểu phát biểu đi sâu phân tích, trao đổi những kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn, những vấn đề hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật hoạt động giám sát; đồng thời đề xuất, kiến nghị những nội dung cụ thể với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Thảo luận tại Hội nghị, từ thực tiễn hoạt động, Thường trực Hội đồng nhân dân các địa phương cho rằng, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015; hướng dẫn cụ thể hoạt động của từng chủ thể giám sát (Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Hội đồng nhân dân cấp xã) nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp. Ban hành Quy chế hoặc quy định về hoạt động giám sát của các chủ thể giám sát; quy định rõ trách nhiệm thực hiện kế hoạch, yêu cầu của chủ thể giám sát và các biện pháp chế tài đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân không chấp hành nghiêm các kiến nghị sau giám sát, kết luận giám sát… Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 48/2016/NĐ-CP, sắp xếp cơ cấu tổ chức, bộ máy, cán bộ của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tăng số phòng tham mưu và biên chế tương xứng với vai trò, trách nhiệm được giao.

Trao đổi tại Hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy đã giải đáp những ý kiến, khó khăn, vướng mắc của Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố. Trưởng Ban Công tác đại biểu khẳng định, sau hội nghị này, Ban Công tác đại biểu sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành các văn bản hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội đồng nhân dân. Đồng thời, để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả của Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố theo khu vực, thời gian tới Ban Công tác đại biểu sẽ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc tổ chức Hội nghị khu vực như thế nào cho hợp lý (2lần/năm, 1 lần/năm hay 2 năm/1 lần...) và gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của địa phương khi tổ chức thực hiện Nghị định số 48 của Chính phủ, đồng chí Thứ trưởng nêu rõ, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các địa phương, báo cáo Chính Phủ sớm nghiên cứu sửa đổi Nghị định 48, theo hướng đảm bảo cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá việc tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và nhiều đạo luật mới đặt ra cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiều nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi các cơ quan dân cử phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong tổ chức và hoạt động. Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh đến công tác hậu giám sát, Thường trực, các ban Hội đồng nhân dân cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận giám sát của các đối tượng giám sát; cần thiết phải tổ chức tái giám sát và đề nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý đối với trường hợp không thực hiện nghiêm túc kết luận giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, trong thời gian tới, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xây dựng Quy chế hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và gửi xin ý kiến của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố: “Đề nghị các đồng chí tích cực tham gia góp ý để khi Quy chế được ban hành phù hợp với thực tiễn, sớm đi vào cuộc sống góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết thúc Hội nghị, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã chuyển giao đăng cai tổ chức Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 27 cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp. 

BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU