CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN DỰ PHIÊN BẾ MẠC MSEAP 3

10/10/2018

Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu lần thứ 3 (MSEAP 3) đã kết thúc sau 1 ngày thảo luận với nhiều kiến nghị và đề xuất đến từ chủ tịch Quốc hội 24 quốc gia thuộc khu vực Á - Âu. Hội nghị đã ra tuyên bố Antalya thể hiện sự đồng thuận của lãnh đạo Nghị viện các nước trong khu vực về xây dựng hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, Đoàn Quốc hội Việt Nam, do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn, đã có bài phát biểu đưa ra nhiều đề xuất quan trọng nhằm đẩy mạnh liên kết Á - Âu vì mục tiêu phát triển bền vững ở khu vực, đặc biệt là xác định các bước đi để xây dựng tầm nhìn của hợp tác Á - Âu. Những đề xuất của Quốc hội Việt Nam đã được Nghị viện các nước đánh giá cao và ủng hộ quan điểm xuyên suốt đó là: Nghị viện các nước Á - Âu cần hợp tác vì mục tiêu phát triển bền vững ở khu vực, đặc biệt là xác định các bước đi để xây dựng tầm nhìn của hợp tác Á - Âu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Phiên bế mạc Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu.  Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong muốn tiếp tục họp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước Á - Âu trên các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, gắn với công nghệ số, kết nối thông minh và phát triển bền vững; Thúc đẩy hợp tác Á - Âu trong chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao vai trò tiên phong của các nước phát triển hỗ trợ, tăng cường năng lực đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Ủng hộ nỗ lực của các nước Á - Âu xây dựng cơ chế hợp tác nghị viện Á Âu thành một diễn đàn mạnh mẽ, hoạt động chặt chẽ hơn; mở rộng kết nối với các diễn đàn, tổ chức hợp tác liên nghị viện khác trên thế giới nhằm bổ sung và tăng cường hoạt động ngoại giao nghị viện, song hành cùng các tổ chức quốc tế và khu vực

Tại các phiên thảo luận đa phương và song phương, lãnh đạo nghị viện các nước ủng hộ cao việc cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, phù hợp với sự thay đổi của tương quan lực lượng và vai trò ngày càng tăng của các nền kinh tế đang phát triển. Hội nghị đã thông qua tuyên bố Antalya với 18 nội dung quan trọng, trong đó có nội dung Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề xuất: Cam kết giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ những nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; công nhận hoàn toàn vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy và củng cố hòa bình và an ninh quốc tế.

Toàn cảnh phiên bế mạc.

Tuyên bố Analya ghi nhận vai trò của các Nghị viện trong việc tạo dựng không khí trao đổi thẳng thắn các vấn đề, tiếp nối các kết quả đạt được tại các hội thảo ở Moscow và Seoul, cùng nhau trao đổi quan điểm về các biện pháp thúc đẩy ngoại giao Nghị viện, góp phần vào hoà bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực Á - Âu. Nhận thức tầm quan trọng của phát triển trong khu vực Á - Âu, nghị viện các nước cam kết đẩy mạnh các nỗ lực chung về hỗ trợ lập pháp và tìm kiếm các khả năng mở rộng tăng cường quan hệ đối tác ở khu vực Á Âu vì một tương lai chung, tăng trưởng bao trùm, bền vững, thịnh vượng thông qua thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực cùng quan tâm, như dịch vụ logistics, hài hòa thủ tục hải quan, kết nối đa phương thức, các mạng lưới và cơ sở hạ tầng, thuận lợi hóa kinh doanh và chuyển giao công nghệ trên cơ sở tôn trọng các luật lệ và pháp luật của mỗi quốc gia.

Các lãnh đạo Nghị viện tái khẳng định ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương cởi mở, bao trùm, không phân biệt, minh bạch và dựa trên luật lệ như đã đề ra trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm củng cố hơn nữa Tổ chức Thương mại Thế giới, bác bỏ những thực tiễn thương mại không phù hợp với các nguyên tắc của WTO. Cam kết thúc đẩy các quan hệ đối tác vì mục tiêu phát triển chung, sẵn sàng tìm kiếm hợp tác trên các lĩnh vực mới, hướng tới quan hệ hợp tác toàn diện và đối tác kinh tế chặt chẽ hơn, trên các lĩnh vực ưu tiên như thương mại và đầu tư, sản xuất và chế biến khoáng sản, năng lượng, nông nghiệp, kết nối hạ tầng, hợp tác tài chính và kinh tế, khoa học, công nghệ và sáng tạo, công nghệ thông tin truyền thông, cùng các lĩnh vực khác.

Nghị viện các nước trong khu vực Á - Âu ủng hộ các nỗ lực hướng tới thúc đẩy các tiến trình do Syria dẫn dắt và làm chủ, để giải quyết tình hình chính trị phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tôn trọng cam kết đối thoại giữa hai miền Triều Tiên hướng tới hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó bao gồm các cuộc họp Thượng đỉnh liên Triều, nhất trí tiếp tục giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên thông qua đối thoại và ủng hộ cách tiếp cận và hợp tác toàn diện để thiết lập cơ chế hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.   Nghị viện các nước Á - Âu thống nhất quan điểm lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, tổ chức và biểu hiện, không phân biệt sắc tộc và tôn giáo; có giải pháp ứng phó toàn diện và bền vững trước mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan; Cam kết cùng hợp tác để bảo vệ công dân, củng cố an ninh toàn cầu, thúc đẩy ổn định, và tạo điều kiện hướng tới thắng lợi lâu dài.

Với thông qua tuyên bố Antalya, Hội nghị Mseap 3 do Quốc hội nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì và tổ chức đã bế mạc, ghi nhận nỗ lực của Quốc hội Hàn Quốc và Đuma Quốc gia Liên bang Nga đã sáng lập cơ chế MSEAP và đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị MSEAP 4 vào năm 2019 sẽ được tổ chức tại Cộng hòa Kazakhstan do Quốc hội Kazakhstan tổ chức./.

Hải Yến