Xây dựng nghị quyết của QH quy định việc thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật của ĐBQH

24/12/2014

Ngày 23.12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Báo cáo nghiên cứu: Xây dựng nghị quyết của QH quy định việc thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật của ĐBQH. Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động hợp tác với Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) 2014.

Quyền trình sáng kiến pháp luật của ĐBQH là quyền cơ bản, điển hình và thể hiện rõ nét, tập trung nhất vị trí, vai trò, trách nhiệm của cá nhân ĐBQH, đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà dự thảo luật do ĐBQH trình luôn chiếm số lượng ít và tỷ lệ thành công thấp so với các chủ thể khác. Theo dự thảo Báo cáo, có 2 nguyên nhân cơ bản là: cơ sở pháp lý còn thiếu, yếu và chưa có cơ chế hữu hiệu cho việc thực hiện sáng quyền lập pháp cho ĐBQH. Ngoài ra, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể, chi tiết về quy trình, thủ tục, đặc biệt là về các điều kiện hỗ trợ và thúc đẩy ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp. Thêm vào đó, QH nước ta có tỷ lệ ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm nhiều, không có bộ máy giúp việc riêng và điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất còn hạn chế nên nếu ĐBQH có sáng kiến lập pháp cũng khó có thể thực hiện.

Dự thảo Báo cáo đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật của ĐBQH, trong đó đề nghị QH ban hành nghị quyết quy định việc thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật của ĐBQH. Dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể hơn về khái niệm, nội hàm, phương thức thực hiện quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước QH, UBTVQH. Bổ sung quy định về việc thực hiện quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, pháp lệnh thông qua nhóm ĐBQH. Mục đích nhằm phát huy vai trò, trí tuệ tập thể, qua đó tăng chất lượng thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật của ĐBQH, đồng thời khắc phục một nguyên nhân dẫn tới tình trạng có rất ít ĐBQH thực hiện quyền này vì tâm lý e ngại, không muốn thực hiện một mình. Nghị quyết cũng quy định cụ thể hơn về cơ chế hỗ trợ ĐBQH bằng việc quy định trách nhiệm của các chủ thể: VPQH, Viện Nghiên cứu lập pháp, cơ quan, tổ chức nơi ĐBQH đang công tác,… Thiết lập cơ chế giới hạn và sàng lọc để vừa kiểm soát hợp lý số lượng ĐBQH thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật đồng thời tránh lãng phí thời gian, nguồn lực, cụ thể là quy định hạn chế quyền trình sáng kiến pháp luật đối với một số dự án, pháp lệnh. Nhiều đại biểu tại hội thảo cho rằng, nội dung trong dự thảo Nghị quyết nên được bổ sung vào dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật, để Nghị quyết ngắn gọn hơn và mang tính chất hướng dẫn cho Luật về nội dung thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật của ĐBQH.

(Theo Đại biểu nhân dân)