Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Tọa đàm Góp ý hoàn thiện các quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

19/03/2013

Ngày 19/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề Góp ý hoàn thiện các quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về Lời nói đầu và Chương chế độ chính trị, Quốc phòng và An ninh.

Góp ý về Lời nói đầu tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, Lời nói đầu của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi khái quát, cô đọng và súc tích hơn về truyền thống, lịch sử dân tộc, lịch sử lập hiến của nước ta, nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới, mục tiêu xây dựng đất nước và thể hiện mạnh hơn ý nguyện của nhân dân ta trong việc ban hành và sửa đổi Hiến pháp. Lời nói đầu của dự thảo Hiến pháp đã đáp ứng những tiêu chí cơ bản lời nói đầu của một bản Hiến pháp, đã chỉ rõ mục tiêu, mục đích của Hiến pháp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, lời nói đầu của dự thảo vẫn dài vì vậy cần viết cô đọng hơn, có tính khái quát hơn, cần quy định chặt chẽ hơn về logic hình thức và sử dụng từ ngữ.

Về chế độ chính trị, các đại biểu cũng cho rằng, nội dung dự thảo Hiến pháp đã đáp ứng được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vấn đề tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân cần được quy định đầy đủ, sâu sắc và nhất quán hơn về nguồn gốc, bản chất và mục đích của quyền lực nhà nước là thống nhất ở quyền lực nhân dân (điều 2); hình thức nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước (điều 6). Cần khẳng định thể chế nhà nước ta là Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, là một nước dân chủ, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ (điều 1). Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội (điều 4) là cần thiết nhưng có ý kiến đề nghị, dự thảo cần quy định rõ ràng hơn để khắc phục sự nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Đảng. Cần có sự thể hiện rõ bằng ngôn ngữ Hiến pháp về vị trí, vai trò và trách nhiệm của Đảng, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm xã hội trước nhân dân và trước dân tộc. Cũng có ý kiến cho rằng, ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã thực hiện vai trò lãnh đạo đối với lực lượng vũ trang nên lực lượng vũ trang cần đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều này cần phải được hiến định trong dự thảo Hiến pháp lần này. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị, cần thể hiện rõ hơn trong Hiến pháp nội dung phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị xã hội...

(Theo Đại biểu Nhân dân)