Trong phạm vi nghiên cứu, đề tài đã tập trung phân tích, lý giải cơ sở lý luận về hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung và giám sát việc thực hiện điều ước quốc tế nói riêng. Trong đó, đã làm rõ những yêu cầu, đặc trưng và hiệu quả của hoạt động giám sát điều ước quốc tế; đồng thời, phân tích tham khảo kinh nghiệm của nghị viện một số nước trên thế giới về vấn đề này.
Tiếp đó, đề tài đã đi sâu nghiên cứu thực trạng pháp luật và hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện điều ước quốc tế. Ở đây, đề tài đã hệ thống hóa và tập trung phân tích các quy định pháp luật từ Hiến pháp 2013, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Luật điều ước quốc tế 2016 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Đề tài đã đánh giá mức độ hoàn thiện của các quy định pháp luật về vai trò, sự tham gia của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội vào hoạt động giám sát thực hiện điều ước quốc tế. Đề tài cũng đã phân tích, đánh giá những kết quả đạt được trong việc giám sát chuyên đề, chất vấn, nội luật hóa các cam kết quốc tế, cũng như lý giải cặn kẽ các nguyên nhân của tồn tại, hạn chế. Đề tài cho rằng, các quy định pháp luật về giám sát thực hiện điều ước quốc tế chưa đầy đủ và thiếu cụ thể, rõ ràng về quy trình, thủ tục, phương thức giám sát, sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan… Kết quả công tác giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện các điều ước quốc tế còn khiêm tốn và nhiều hạn chế, giám sát chưa thường xuyên, còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả giám sát chưa cao.
Trên cơ sở phân tích lý luận và thực tiễn, đề tài đã đưa ra các yêu cầu, quan điểm và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện điều ước quốc tế. Trong đó, các yêu cầu cần đáp ứng là: xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nâng cao hiêu quả, hiệu lực giám sát; đảm bảo mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Các quan điểm đặt ra là: cần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát việc thực hiện điều ước quốc tế vì lợi ích quốc gia; góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh và “sức mạnh mềm” của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; hiệu quả giám sát việc thực hiện điều ước quốc tế có mối quan hệ chặt chẽ với đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội. Đề tài cũng đưa ra các nhóm giải pháp như: nâng cao nhận thức về điều ước quốc tế và vai trò của Quốc hội trong giám sát việc thực hiện điều ước quốc tế; hoàn thiện cơ chế tổ chức, thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện điều ước quốc tế; hoàn thiện pháp luật về hoạt động giám sát của của Quốc hội đối với việc thực hiện điều ước quốc tế; nâng cao năng lực cho các chủ thể giám sát.
Với những kết quả đã đạt được, Đề tài được Hội đồng khoa học đánh giá, xếp loại khá.