Tọa đàm có sự tham gia trao đổi của đại diện nhóm chuyên gia đến từ Mạng lưới sông ngòi Việt Nam gồm TS. Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển Bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi Khí hậu; PGS.TS. Lê Anh Tuấn, thành viên Ban hội đồng Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ. Tọa đàm còn có sự tham gia, trao đổi, chia sẻ của các vị ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Hoàng Văn Tú cho rằng áp lực của yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp đã tác động đáng kể đến hệ thống công trình thủy lợi hiện có và đang đặt ra những thách thức mới đối với lĩnh vực này. Việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng công trình thủy lợi với mục tiêu phát huy tối đa công năng, hiệu quả là yêu cầu cấp bách hiện nay. Để thực hiện mục tiêu đó, dự thảo Luật thủy lợi 2017 cần giải quyết các vấn đề còn bất cập như: mô hình tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi; việc khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; nguồn lực để phát triển thủy lợi…
Tại Tọa đàm, TS. Đào Trọng Tứ đã nêu lên hiện trạng phát triển thủy lợi ở Việt Nam và quan điểm, mục tiêu phát triển thủy lợi. PGS.TS. Lê Anh Tuấn đề nghị dự thảo luật quy định theo hướng: Thứ nhất, khai thác thủy lợi, đặc biệt là các nguồn nước sông rạch, cần bảo đảm môi trường nước không bị suy thoái, tạo điều kiện duy trì tốt cho sức khỏe hệ sinh thái thủy vực; Thứ hai, người dân và cộng đồng dân cư trong khu vực dự án thủy lợi và vùng lân cận phải là người hưởng lợi chính trong mục tiêu của dự án, họ phải được tham gia các giai đoạn đánh giá tác động môi trường và xã hội, xây dựng, quản lý, phát triển và vận hành hệ thống thủy lợi; Thứ ba, việc chia sẻ tài nguyên nước an toàn phải tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề bình đẳng giới, nâng cao chất lượng sống cho phụ nữ, người già, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương. Phụ nữ cần phải được tham vấn ý kiến trong tất cả các quyết định khai thác công trình thủy lợi.
Tại Tọa đàm, đa số các đại biểu đánh giá dự thảo Luật thủy lợi 2017 có nhiều thay đổi tiến bộ, tích cực. Tuy nhiên, hiện nay dự thảo vẫn còn một số quy định chưa có sự đồng thuận. Các đại biểu tham dự đã thảo luận, góp ý kiến về các quy định có liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác, vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi; thủy lợi phí, dịch vụ thủy lợi; mô hình tổ chức cơ quan chuyên môn để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy lợi; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi.
Các tham luận, ý kiến phát biểu tại Tọa đàm sẽ được Ban Tổ chức tiến hành tổng hợp gửi đến cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội nhằm phục vụ việc hoàn thiện dự thảo Luật thủy lợi 2017.