Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất trong lĩnh vực tương trợ tư pháp

Quang cảnh Phiên họp
Sau khi nghe các Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về 04 dự án: Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận về nội dung này.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành 04 Luật trên cơ sở tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) hiện hành. Hồ sơ các dự án Luật cơ bản bảo đảm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn; đã được đánh giá tác động, rà soát các điều ước quốc tế có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Phiên họp
Nội dung của các dự thảo luật cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về TTTP, Hiến pháp năm 2013; cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trong phần thảo luận, các đại biểu góp ý vào các nội dung cụ thể của các dự án Luật liên quan tới: Xử lý trường hợp nước ngoài từ chối yêu cầu dẫn độ để thi hành án của Việt Nam; các hình thức tương trợ tư pháp; cá nhân và cơ quan có thẩm quyền thu thập chứng cứ; mối quan hệ giữa Luật Tương trợ tư pháp về dân sự với các luật chuyên ngành...
Bám sát chủ trương đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao các Cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ trong thời gian ngắn đã chuẩn bị các dự án luật rất công phu, kỹ lưỡng. Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần rà soát kỹ các luật, đảm bảo bám sát chủ trương đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, đó là “Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài”; các Bộ ngành quy định chi tiết các nội dung cụ thể. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp rà soát, không nên quy định quá chi tiết trong luật để tránh gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp
Góp ý về dự án Luật Dẫn độ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tập trung hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo vệ quyền lợi của quốc gia cũng như công dân. “Đây là vấn đề chúng ta cần phải nhấn mạnh trong Luật Dẫn độ”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần làm rõ các nguyên tắc dẫn độ, đặc biệt là nguyên tắc dẫn độ công dân Việt Nam, nguyên tắc không dẫn độ công dân Việt Nam, các trường hợp từ chối dẫn độ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ các biện pháp bảo đảm quyền con người gồm quyền được tiếp cận pháp lý, quyền không bị tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo trong quá trình dẫn độ để đảm bảo tính nhân văn, tuân thủ các cam kết quốc tế về quyền con người.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần xem xét kỹ các quy định về trình tự, thủ tục dẫn độ đảm bảo minh bạch, hiệu quả; đồng thời giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong hợp tác quốc tế. Đồng thời yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tương trợ tư pháp hiện hành cũng như các điều ước quốc tế liên quan… để tránh mâu thuẫn, chồng chéo.
Cũng tại Phiên họp, đại diện các Cơ quan soạn thảo của 04 dự án Luật đã tiếp thu và giải trình, làm rõ ý kiến của các thành viên UBTVQH để hoàn thiện các dự án Luật đảm bảo các yêu cầu đề ra.
Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật về tương trợ tư pháp
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, 4 dự án Luật trong lĩnh vực tương trợ tư pháp đã được các Cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị Hồ sơ các dự án luật đầy đủ, đúng tiến độ theo quy định; Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tổ chức thẩm tra kỹ lưỡng các dự án luật bảo đảm chất lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh Hồ sơ các dự án luật trình Quốc hội, trong đó lưu ý:
Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa 04 dự án Luật về những nội dung có tính chất chung như bố cục, nguyên tắc tương trợ tư pháp, ngôn ngữ, kinh phí, chi phí; hợp pháp hóa lãnh sự; trách nhiệm của cơ quan trung ương trong tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, hiệu lực thi hành, nguyên tắc dẫn độ cần chi tiết, cụ thể hơn... để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật về tương trợ tư pháp khi được ban hành vào cùng thời điểm; bám sát tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, không quy định quá chi tiết các vấn đề không thuộc thẩm quyền Quốc hội. Việc hoàn thiện 04 dự thảo Luật phải gắn với yêu cầu về sắp xếp lại bộ máy của cả hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về thẩm quyền của Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan, bảo đảm phù hợp với Điều ước quốc tế, thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam; bảo đảm đồng bộ, hiệu quả về chính sách và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, cần nghiên cứu chuyển nội dung các Chương về quản lý nhà nước về Chương Quy định chung và ghép thành 01 điều quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong từng lĩnh vực. Tiếp tục rà soát văn phong, kỹ thuật lập pháp của 04 dự thảo Luật, bảo đảm dễ hiểu, rõ ràng, có tính quy phạm hơn; lược bớt các quy định quá cụ thể, chi tiết không thuộc thẩm quyền Quốc hội...
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Phiên họp




Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp

Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tham dự Phiên họp

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến trình bày các Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Dẫn độ, dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về 04 dự án Luật



Đại diện lãnh đạo các Cơ quan soạn thảo tham dự Phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp

Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần rà soát kỹ các luật, đảm bảo bám sát chủ trương đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, đó là “Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài”

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phan Thị Kim Oanh

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp