Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 04 dự án luật trong lĩnh vực tương trợ tư pháp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Tại phiên họp, trình bày tóm tắt Báo cáo tổng hợp thẩm tra sơ bộ đối với 04 dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) tán thành với sự cần thiết ban hành 04 Luật trên cơ sở tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) hiện hành.
Về hồ sơ các dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, hồ sơ các dự án Luật cơ bản bảo đảm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn; đã được đánh giá tác động, rà soát các điều ước quốc tế có liên quan; nghiên cứu, tham khảo pháp luật của một số nước; xin ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để chỉnh lý, hoàn thiện. Hồ sơ các dự án Luật đáp ứng điều kiện trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng
Về thực hiện chủ trương đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật đã quán triệt, thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, đó là “Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài” và quy định mới của Luật Tổ chức Quốc hội về: “quy định cụ thể các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, tố tụng tư pháp”.
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và bố cục của dự thảo Luật, UBPLTP tán thành với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của 04 Luật; đồng thời, đề nghị điều chỉnh bố cục của các dự thảo Luật theo hướng ngắn gọn, đưa các nội dung của Chương Quản lý nhà nước thành 01 điều quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong Chương I - Những quy định chung, tương tự như một số luật đã được Quốc hội thông qua trong thời gian vừa qua.
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, UBPLTP đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục bám sát, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và định hướng sửa đổi các luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân… để bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, 04 dự án Luật này được tách ra từ Luật TTTP nên có mối liên hệ mật thiết với nhau. Do đó, đề nghị các Cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ quy định của các dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất, nhất là đối với một số quy định chung như: giải thích từ ngữ, nguyên tắc TTTP, ngôn ngữ trong hồ sơ TTTP, hợp pháp hóa lãnh sự, kinh phí, quản lý nhà nước, hiệu lực thi hành…

Các đại biểu tham dự phiên họp
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cũng nêu rõ quan điểm của Ủy ban đối với một số nội dung cụ thể của 04 dự thảo luật.
Trong đó, đối với dự thảo Luật Dẫn độ, về xử lý trường hợp nước ngoài từ chối yêu cầu dẫn độ để thi hành án của Việt Nam (khoản 2 Điều 23), UBPLTP đề nghị làm rõ đối tượng áp dụng là người nước ngoài hay công dân Việt Nam. Trường hợp đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam thì đề nghị đánh giá tác động và cân nhắc tính khả thi của quy định này vì đây là vấn đề mới, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên không có quy định này và dự án Luật TTTP về hình sự không quy định vấn đề này thuộc phạm vi TTTP về hình sự. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, làm rõ và trường hợp cần thiết thì đề nghị bổ sung vấn đề này vào dự thảo Luật TTTP về hình sự để có cơ sở thực hiện...
Liên quan tới dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, về chuyển đổi hình phạt, UBPLTP đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá chính sách hình sự trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam với các quy định của pháp luật nước ngoài, điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm quy định của dự thảo Luật phù hợp, khả thi, thuận lợi cho Tòa án nhân dân trong quá trình áp dụng; quy định cụ thể về việc chuyển đổi hình phạt tù để bảo đảm cách hiểu thống nhất hơn; quy định thống nhất giữa khoản 3 Điều 3 và khoản 5 Điều 20 của dự thảo Luật về thẩm quyền chuyển đổi hình phạt.

Các đại biểu tham dự phiên họp
Về hủy quyết định thi hành quyết định tiếp nhận, hủy quyết định thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (Điều 23, Điều 37), UBPLTP đề nghị nghiên cứu, bổ sung các trường hợp người đang chấp hành án phạt tù rút lại đơn xin chuyển giao sau khi quyết định thi hành quyết định tiếp nhận, quyết định thi hành quyết định chuyển giao đã có hiệu lực để bao quát hết các trường hợp xảy ra trên thực tế, bảo đảm áp dụng thống nhất, có tính khả thi...
Đối với dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, UBPLTP cơ bản tán thành phạm vi TTTP về dân sự quy định tại Điều 3. Tuy nhiên quy định tại khoản 4 là chưa chặt chẽ, có thể dẫn tới cung cấp toàn văn bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cho phía nước ngoài, trong đó có thông tin về hộ tịch của đối tượng cần cung cấp và có thể có cả thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác của Việt Nam. Đồng thời, quy định tại khoản 5 là chưa rõ mục đích cung cấp thông tin pháp luật để phục vụ việc giải quyết vụ án, vụ việc dân sự hay phục vụ mục đích khác; mối liên hệ với yêu cầu TTTP thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Vì vậy, đề nghị tiếp tục rà soát, quy định rõ để thực hiện thuận lợi, thống nhất sau khi Luật có hiệu lực.
Về thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam, về cơ bản dự thảo Luật kế thừa pháp luật hiện hành, quy định các chủ thể có thẩm quyền yêu cầu TTTP về dân sự (Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự), quá trình thực hiện không có vướng mắc. Bên cạnh đó, quy định mở rộng chủ thể có thẩm quyền yêu cầu (các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác) là trùng lặp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong hoạt động tư pháp và thi hành án. Do đó, đề nghị cân nhắc để quy định cho phù hợp.
Liên quan tới dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, tại khoản 3 Điều 9 quy định hình thức “thu thập vật chứng, dữ liệu điện tử” thay cho quy định hiện hành “thu thập chứng cứ” là làm hẹp hơn phạm vi TTTP hình sự so với quy định hiện hành và chưa bảo đảm chủ trương tăng cường hợp tác, hỗ trợ giữa các quốc gia trong giải quyết vụ việc, vụ án hình sự. Bên cạnh đó, từ thực tiễn tổ chức thi hành các nghĩa vụ liên quan đến tiền, tài sản, vật chứng trong bản án hình sự, đề nghị cân nhắc bổ sung hình thức “xử lý tài sản” trong phạm vi TTTP về hình sự.
Về yêu cầu chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự, UBPLTP đề nghị tiếp tục giữ như quy định của Điều 29 của Luật TTTP hiện hành để điều chỉnh cả trường hợp án thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương.