
Quang cảnh Phiên họp
Tham dự Phiên họp có: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng; Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến; đại diện các cơ quan Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Ban Nội chính Trung ương; Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp…
Tại Phiên họp, các đại biểu nghe các Tờ trình tóm tắt về 04 dự án Luật gồm: Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Phiên họp
Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Dẫn độ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho biết, mục đích của việc xây dựng Luật Dẫn độ là hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài; bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực dẫn độ; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ.
Quan điểm xây dựng Luật Dẫn độ là thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước ta về hội nhập quốc tế, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực tư pháp. Luật Dẫn độ được xây dựng phải tuân thủ Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; thống nhất với các quy định tại các dự án Luật TTTP về dân sự, Luật TTTP về hình sự và Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (tách từ Luật TTTP năm 2007) đang được xây dựng đồng thời với dự án Luật này.
Dự thảo Luật Dẫn độ dự kiến gồm 05 chương và 45 điều, trong đó, sửa đổi 19 điều, bổ sung 10 điều và cắt giảm 01 điều so với Luật TTTP trong lĩnh vực dẫn độ. Luật Dẫn độ quy định nguyên tắc, thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước của Việt Nam trong dẫn độ. Luật Dẫn độ áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến dẫn độ với Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến trình bày các Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Dẫn độ, dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù
Về dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến nêu rõ, mục đích của việc ban hành Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo hướng nhân đạo, toàn diện, cụ thể, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; giúp bảo đảm tốt hơn quyền con người của người đang chấp hành án phạt tù; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Dự thảo Luật gồm 5 chương, 45 điều. So với quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật sửa đổi 14 điều, xây dựng mới 18 điều, bỏ 01 điều và 02 quy định,
Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Luật này áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù, cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù với Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự
Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự (TTTPDS) sau khi tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ gồm 05 chương, 36 điều. Mục đích xây dựng Luật là hoàn thiện pháp luật TTTPDS theo hướng hiện đại, khả thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ quy trình giải quyết các vụ việc dân sự (theo nghĩa rộng) và vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng có liên quan, tăng cường khả năng thực hiện quyền tiếp cận công lý của người dân; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về TTTPDS.
Dự thảo Luật quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện TTTPDS và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động này. Dự thảo Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động TTTPDS với Việt Nam.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự
Liên quan đến dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, mục đích của việc xây dựng Luật TTTP về hình sự là hoàn thiện các quy phạm pháp luật về TTTP hình sự theo hướng tách các quy phạm pháp luật về TTTP hình sự ra khỏi Luật TTTP năm 2007 thành đạo luật riêng nhằm đáp ứng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp và tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp; bảo đảm tương thích và đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước, các cam kết quốc tế của Việt Nam trong cùng lĩnh vực; khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật TTTP hiện hành; góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Dự thảo Luật gồm 05 chương, 45 điều; quy định các nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.Luật TTTP về hình sự áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài.
Tiếp đó, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra các dự án Luật nêu trên.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật nội dung Phiên họp.