ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI HẢI PHÒNG VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

26/03/2019

Chiều ngày 25/3, tiếp tục chương trình giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm Trưởng đoàn đã cuộc làm việc với UBND Tp.Hải Phòng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, trong thời gian qua, Hải Phòng đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố phối hợp với sở, ngành, địa phương và các đoàn thể quần chúng, cơ quan thông tin đại chúng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC và vận động nhân dân thực hiện công tác toàn dân tham gia PCCC với nhiều hình thức, biện pháp, nội dung thiết thực như tập huấn, mở các chuyên mục, hội thi, hội nghị… góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân trong tổ chức thực hiện về chấp hành pháp luật về PCCC.

Ủy viện Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát buổi tại buổi làm việc với UBND TP Hải Phòng

Công tác hướng dẫn, xây dựng và phê duyệt, thực tập các phương án chữa cháy, phương án xử lý khi xảy ra cháy nổ lớn được các cấp, các ngành, các cơ sở quan tâm, chú trọng. Lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố đã lập mới, bổ sung, xây dựng 3.735 phương án chữa cháy, 676 phương án cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp; tổ chức thực tập 2.430 phương án chữa cháy và 245 phương án phối hợp nhiều lực lượng. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tổ dân phố, thôn đã lập mới, bổ sung hơn 8.300 phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố đóng vai trò chủ lực tổ chức chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn,kịp thời, hiệu quả các vụ cháy, nổ, tai nạn xảy ra trên địa bàn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản….

Kết luận tại cuộc giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao sự quan tâm của Thành ủy, UBND thành phố cùng các cấp, các ngành trên địa bàn Hải Phòng đã triển khai công tác PCCC đạt nhiều kết quả quan trọng. Hải Phòng đã chỉ đạo triển khai kịp thời Chỉ thị 47 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo của Đảng trong công tác PCCC; đã nhanh chóng ban hành được Nghị quyết 27 của Thành ủy về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về công tác PCCC trên địa bàn (Hải Phòng là một trong 4 địa phương trên cả nước đã ban hành được nghị quyết này).

Hải Phòng đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban chỉ đạo PCCC từ cấp thành phố đến cấp xã, phường, thị trấn; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC kịp thời thực hiện công tác phân cấp cơ sở quản lý PCCC; điều tra cơ bản, lập hồ sơ quản lý đối với 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, không để lọt, để sót các cơ sở. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá cao Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã theo kịp với tình hình, biết cách tiếp cận được với phương tiện thông tin đại chúng, tạo hiệu quả tốt trong việc định hướng tuyên truyền cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCCC trên địa bàn thành phố còn có những hạn chế. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lưu ý Hải Phòng cần làm rõ những hạn chế, lý giải vì sao việc tuyên truyền về PCCC được thành phố quan tâm, các cấp, ngành vào cuộc nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ cháy. Điều này cho thấy có thể một số hoạt động triển khai trên thực tế chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, đầu tư về công tác PCCC của Hải Phòng còn chưa tương xứng. Chỉ ra điều này, Chủ nhiệm UB Tư pháp đề nghị, thành phố cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho công tác PCCC, tiếp tục coi công tác phòng, chống cháy nổ là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng; coi an toàn cháy nổ là một trong những tiêu chí thi đua của các đơn vị, đặc biệt là các quận, huyện. Những nơi không đảm bảo công tác PCCC hay những nơi để xảy ra cháy nổ nghiêm trọng, chết người thì xác định trách nhiệm người đứng đầu. Ngoài ra, cần có những dự báo định hướng về công tác PCCC phù hợp với tình hình phát triển của Hải Phòng.


Đoàn giám sát đi khảo sát thực tế về công tác PCCC tại Công ty CP Cảng Hải Phòng

Để công tác PCCC trên địa bàn đạt được hiệu quả cao, Chủ nhiệm Lê Thị Nga lưu ý, thành phố cần quan tâm, đảm bảo chế độ chính sách cho lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành để phát huy vai trò của lực lượng này trong công tác phòng ngừa, chữa cháy ngay từ ban đầu. Hiện nay, năng lực của lực lượng còn yếu, hiệu quả hoạt động thấp vì chính sách hỗ trợ mang tính hình thức, vì thế cần quan tâm và xem xét vấn đề xã hội hóa, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp. UBND thành phố cần sớm đệ trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về chính sách cho lực lượng dân phòng tham gia vào công tác PCCC. Ngoài ra, cần công khai các công trình, dự án vi phạm quy định về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm được cùng tham gia giám sát. Đối với những trường hợp vi phạm, thành phố không phê duyệt chủ trương đầu tư và không cấp giấy phép xây dựng; công tác quy hoạch về mạng lưới cảnh sát PCCC cần có sự gắn kết với quy hoạch đô thị.

+ Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế công tác PCCC tại Cảng Tân Vũ và Cảng Hoàng Diệu; làm việc với Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)