THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

01/10/2020

Chiều ngày 01/10/2020, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 17 Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, sau khi nghe Tờ trình về Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trần Ngọc Khánh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật này.

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 17 Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Về sự cần thiết ban hành Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trần Ngọc Khánh cho biết, đa số ý kiến của thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng hầu hết các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tác động đến quyền con người, quyền công dân mà theo tinh thần Hiến pháp phải được quy định trong văn bản luật và có nhiều nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu trong Công ước 1968 về giao thông đường bộ chưa được nội luật hóa.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có phạm vi điều chỉnh gồm hai nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải đường bộ, nên việc tách lĩnh vực giao thông đường bộ thành hai nội dung lớn để xây dựng thành hai Dự án Luật là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không có cơ sở pháp lý để tách lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ra để ban hành luật riêng, vì Luật Giao thông đường bộ là luật chuyên ngành về lĩnh vực giao thông đường bộ và giao thông đường bộ bao gồm tổng thể các yếu tố: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và người tham gia giao thông đường bộ, quy tắc giao thông đường bộ. Hơn nữa, bảo đảm trật tự an toàn giao thông là mục đích của giao thông đường bộ, không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật.

Ý kiến khác nhất trí với với phân tích nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, trong các lĩnh vực nêu trên thì trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực đường bộ đang tồn tại nhiều vấn đề cấp bách, nhất là việc quản lý phương tiện, quản lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ còn nhiều bất cập; tình hình tai nạn giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông đường bộ diễn biến phức tạp, trong đó tai nạn giao thông đường bộ chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm vẫn còn chồng chéo ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào lực lượng thi hành nhiệm vụ, đòi hỏi trước mắt cần phải xây dựng Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trần Ngọc Khánh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, đa số ý kiến đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, vì cho rằng các nội dung trong Dự thảo luật đều thuộc lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đề nghị rà soát để phân định rõ ràng hơn về phạm vi, nội dung điều chỉnh giữa Dự thảo Luật với Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nhất là các quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong Luật này và việc chuyển thầm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Việc thay đổi thẩm quyền quản lý nêu trên là trái với Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1/8/2017 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý phương tiện, cơ sở đào tạo, cơ sở vật chất bảo đảm, nhưng ở Bộ Giao thông vận tải đã và đang thực hiện ổn định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trần Ngọc Khánh cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát phạm vi, nội dung điều chỉnh của Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để hoàn thiện, bảo đảm mối quan hệ hài hòa, thống nhất giữa hai Luật này, không để chồng chéo, trùng lắp; phân định rõ ràng hơn trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm thực thi của các cơ quan, lực lượng chức năng để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đúng với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách.

Đối với “phương tiện tham gia giao thông đường bộ” tại Điều 1 Dự thảo Luật này trùng lặp với “phương tiện giao thông đường bộ” tại Điều 1 của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nên cần phải giới hạn phạm vi điều chỉnh trong cả hai Dự thảo Luật cho sát hợp, có thể theo hướng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về điều kiện, đăng ký, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ; còn Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ.

Về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp phép giấy phép lái xe, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với Tờ trình và Dự thảo Luật, vì cho rằng: Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi quản lý đối với người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan trực tiesp đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc quản lý tốt hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cũng là một biện pháp phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông và phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông và phòng ngừa vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Phân tích nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông đường bộ cho thấy, có trên 75% số vụ tai nạn giao thông đường bộ là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện gây ra, bên cạnh đó vẫn còn một số bất cập về chất lượng đào tạo, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và theo dõi thi hành pháp luật về an toàn giao thông đối với người lái xe. Vì vậy, khi tách ra thành hai luật thì nội dung trên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp. Đồng thời, giao Bộ Công an thống nhất quản lý về phương tiện và người tham gia giao thông một cách xuyên suốt, chặt chẽ từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người được cấp giấy phép lái xe.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quy định tại Chương VII của Dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trần Ngọc Khánh cho biết, một số ý kiến nhất trí quy định trách nhiệm của bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp và đề nghị bổ sung trách nhiệm cụ thể của Bộ Giao thông vận tải trong lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vì cho rằng đây là một trong những nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong Luật này, vì cho rằng theo Điều 33 của Luật Tổ chức Chính phủ thì Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn “quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ”. Ngoài ra, trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải đã được nêu trong các Nghị định của Chính phủ và Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, tại Luật Tổ chức Chính phủ, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ và trong trường hợp cần thiết thì Quốc hội có thể trực tiếp quyết định các nội dung này. Bên cạnh đó, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có những nội dung đặc thù, được tách ra từ lĩnh vực giao thông đường bộ để ban hành luật riêng, nên việc Quốc hội quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, ngành liên quan trong Dự thảo Luật này cũng phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để quy định trách nhiệm của các bộ, ngành đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với nội dung đặc thù và bảo đảm tính khả thi./.

Lan Hương -Minh Thành