LÀM RÕ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

01/10/2020

Trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 17 Ủy ban Quốc phòng và an ninh, các thành viên Ủy ban thảo luận về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành luật, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, làm rõ các quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Làm rõ sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Thảo luận về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đa số thành viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh đồng tình với sự cần thiết ban hành luật nhằm sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, chức danh, mối quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã; bảo đảm cơ sở để bãi bỏ Pháp lệnh Công an xã khi đã hoàn thành việc bố trí Công an xã chính quy.

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, việc ban hành luật trong đó sáp nhập 3 lực lượng là bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách sẽ đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động phối hợp, tăng hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Dự thảo Luật cũng có một số quy định mới như: trang bị công cụ hỗ trợ, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giải quyết trường hợp lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh; khen thưởng và xử lý vi phạm…

Đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Tuy nhiên, Đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ băn khoăn về cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành luật như trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình rõ việc ban hành luật phải dựa trên tình hình thực tiễn trật tự trị an ở cơ sở. Nếu ban hành luật chỉ để giải quyết nhu cầu bố trí việc làm cho 126 nghìn công an xã khi Pháp lệnh Công an xã hết hiệu lực thì chưa đủ sức thuyết phục.

Giải trình về nội dung này, thay mặt Ban soạn thảo, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đối với lực lượng công an hiện có công an chính quy và các lực lượng khác. Các lực lượng này có vai trò phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an và thực chất đây là lực lượng nòng cốt ở cơ sở đặc biệt với Phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hiện nay, các lực lượng này đang được quy định ở các văn bản khác nhau và nhiều năm qua chưa được sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, Dự thảo Luật đã đặt vấn đề đưa 3 lực lượng tham gia bảo vệ trật tự ở cơ sở là bảo vệ dân phố, công an bán chuyên trách và lực lượng dân phòng. Hiện nay, cùng với Luật Công an nhân dân cần có Luật quy định về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đây là lực lượng tự nguyện. Thực tế, thời gian qua, nhiều đồng chí trong lực lượng dân phòng, công an viên đã bị thương, thậm chí hy sinh vì vậy Dự thảo Luật đề xuất xây dựng luật nhằm để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự; đồng thời, bảo đảm cơ sở pháp lý tương xứng giữa việc điều chỉnh lực lượng Công an chính quy (Luật Công an nhân dân) với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở).

Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh, đây là lực lượng của chính quyền địa phương, do lực lượng công an ở địa phương quản lý, điều hành trực tiếp. Như vậy, khi Luật này được ban hành, ngoài lực lượng công an chính quy sẽ có lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở với hình thức là các Bảo vệ viên.

Làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, giải trình thêm là về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Khoản 1 Điều 3 của Dự thảo Luật xác định vị trí của lực lượng này là lực lượng quần chúng tự nguyện” nhưng nhiều quy định của dự thảo Luật lại xây dựng theo hướng chưa phù hợp với tính chất của lực lượng quần chúng tự nguyện.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. 

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, không nên “khoác áo quá rộng” cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Cần xác định lực lượng này là lực lượng không chuyên trách, lực lượng tự nguyện, được bố trí tại các thôn, xóm, buôn, sóc, tổ dân phố. Đây cũng là lực lượng hạt nhân để thúc đẩy phát triển các mô hình quần chúng tự quản hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải nêu rõ trong Luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có vai trò hỗ trợ, chứ không phải là lực lượng chính trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng không có chức năng chính danh mà chức năng của lực lượng này là phối hợp. Đại biểu đặt câu hỏi, việc thành lập một lực lượng không có chức năng chính danh thì có cần trụ sở làm việc gây tốn kém, lãng hay không; ban soạn thảo cần nghiên cứu có thể quy định tận dụng trụ sở khác ở làng bản. Đối với cụm từ “chính danh”, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại về kỹ thuật lập pháp, bởi nếu là chính danh thì lực lượng này có thể làm việc độc lập, trường hợp cản trở hoặc chống lại sẽ phạm tội chống người thi hành công vụ theo Bộ Luật hình sự, như vậy là không chính xác.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bổ sung quy định cụ thể về địa vị pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhất là làm rõ nội hàm của các cụm từ “tham gia phối hợp” và “hỗ trợ” được sử dụng trong Dự thảo Luật để làm rõ chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; đồng thời làm rõ căn cứ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác, cũng như phương thức thực hiện, giới hạn phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà Luật giao.

Một số ý kiến cho rằng, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa rõ trong Dự thảo Luật. Điển hình như Điều 11 quy định: Phối hợp tổ chức thực hiện công tác quản lý hành chính, trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên tại khoản 1, khoản 2 của Điều 11 có quy định “thông qua thăm hỏi, thu nhập nguồn tin từ nhân dân để nắm thông tin về hộ khẩu, nhân khẩu, tình hình biến động dân cư…” quy định như vậy thì không còn là chức năng phối hợp mà dễ bị hiểu nhầm, có thể vận dụng sai, thậm chí có tình trạng lạm quyền.  

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là Dự án Luật chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Sau khi Chính phủ có tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì thẩm tra sơ bộ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp 48. Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đưa Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, đây là Dự án Luật đặc biệt, có vai trò quan trọng, liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, tác động đến đời sống nhân dân. Do vậy cần phải tiến hành đánh giá tác động kỹ lưỡng, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở phát lý chặt chẽ trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Dự thảo Luật có nội dung quan trọng, thể chế hóa nhiều quy định của Nhà nước liên quan đến tổ chức bộ máy, kinh phí, ngân sách, chế độ, chính sách, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chính quyền và nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp thu, quán triệt đầy đủ ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp 48 theo Thông báo Kết luận số 3900 của Tổng Thư ký Quốc hội. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, rà soát các điều luật, bám sát mục tiêu xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với vai trò là lực lượng quần chúng tự nguyện, tránh việc chính quy hóa, làm thay cho lực lượng chính quy và chính quyền địa phương. Rà soát các quy định hiện hành về lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và lực lượng công an xã bán chuyên trách, đặt trong tổng thể đang triển khai Đề án chính quy công an xã và Luật Công an nhân dân để xây dựng nội dung của Luật này. Cần tính toán hợp lý để bố trí phù hợp với lực lượng tương thích với từng địa bàn. Cần rà soát kỹ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cho phù hợp với vị trí, tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện. Đã có quy định về quyền hạn thì cần phải bổ sung quy định về trách nhiệm, làm rõ quy trình, cách thức trong thực thi nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả trong đảm bảo an ninh, trật tự, tránh tình trạng lạm quyền.

Ban soạn thảo cũng cần rà soát cân đối các quy định về chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo các quy định về hỗ trợ, bồi dưỡng kinh phí, chế độ bảo hiểm, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tính chất tự nguyện, không thường xuyên của lực lượng này.

Trên cơ sở ý kiến góp ý tại Phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra, trình Dự án Luật để Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 tới./.

Lan Hương