PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI ĐỖ BÁ TỴ DỰ PHIÊN HỌP THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

20/03/2020

Sáng 20/3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự phiên họp còn có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Quốc phòng Thượng tướng Phan Văn Giang, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ dự phiên họp mở rộng thẩm tra dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Trình bày Tờ trình Luật Quốc phòng Việt Nam, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Bùi Đức Hạnh cho biết, từ năm 2013 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản với chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) chưa được thể chế hóa. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28.9.2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ BGQG” đã xác định rõ nhiệm vụ biên phòng: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG…; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc BGQG; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở KVBG và cả nước”. Đồng thời, xác định cụ thể lực lượng bảo vệ BGQG: “Xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới”; đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG.

Trong khi đó, Pháp lệnh Bộ đội biên phòng ban hành từ năm 1997 nên một số quy định liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013; đồng thời, hình thức, bố cục của Pháp lệnh chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Bên cạnh đó, một số thuật ngữ trong Pháp lệnh không phù hợp với thuật ngữ trong các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan và nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP đang được quy định tản mạn trong các luật chuyên ngành  dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, thậm chí gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ của BĐBP… Do đó, việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam là cần thiết.

Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Bùi Đức Hạnh trình bày Tờ trình Luật Quốc phòng Việt Nam

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ Luật này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Đỗ Quang Thành nêu rõ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ Biên giới Quốc gia; quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới quốc gia. Đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Từ đó, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ đội Biên phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Về bố cục của dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị bỏ Điều 8 (Nền biên phòng toàn dân), vì Điều 7 Luật Quốc phòng đã quy định về “nền quốc phòng toàn dân” hoặc cụm từ “nền an ninh nhân dân” được sử dụng trong nhiều luật nhưng cũng không cần giải thích, theo đó chuyển Khoản 1 Điều 8 lên Điều 2 (Giải thích từ ngữ) và bổ sung giải thích cụm từ “địa bàn nội địa”. Có ý kiến đề nghị bổ sung quyền hạn của Bộ đội Biên phòng được nổ súng vào tàu, thuyền trên sông, trên biển hoặc phương tiện bay qua biên giới..., vì Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chưa quy định nội dung này. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cụ thể, rõ ràng hơn; đồng thời bảo đảm tính logic, tránh chồng chéo với quy định có liên quan trong các luật khác và có tính khả thi.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận cho ý kiến về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, các quy định về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng biên phòng bảo đảm không bị trùng lặp, quy định về hợp tác quốc tế, các quy định về lực lượng bộ đội biên phòng, chế độ chính sách trách nhiệm của cơ quan đơn vị.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Đỗ Quang Thành 

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao Ban soạn thảo đã tích cực chuẩn bị dự án Luật Biên phòng Việt Nam, hồ sơ công phu, đầy đủ theo quy định, trình đúng tiến độ; hoan nghênh Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tích cực, chủ động để chuẩn bị cho việc thẩm tra sơ bộ Dự án luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ bày tỏ cơ bản đồng tình việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là cần thiết để thi hành Hiến pháp 2013, các Nghị quyết quan trọng của Đảng về chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Đồng thời, tạo cơ sở, nền tảng pháp lý chặt chẽ cho công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng ngày càng lớn, mạnh phù hợp với tình hình mới, thống nhất với các quy định trong hệ thống pháp luật mới được ban hành hoặc sửa đổi. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, dự án Luật phải thể chế, quy định cho được các chủ trương, chính sách lớn về công tác, nhiệm vụ biên phòng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi.

Đối với Quy định về nền biên phòng toàn dân (Điều 8), Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần phải được nghiên cứu kỹ nội dung bởi Điều 8 có dáng dấp khái niệm nền quốc phòng toàn dân đã quy định tại Điều 7 Luật Quốc phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu đã quy định các nội dung cơ bản xây dựng nền biên phòng toàn dân thì phải thiết kế các điều khoản để cụ thể vấn đề này.

Liên quan đến tên gọi và phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là vấn đề lớn, quyết định tới kết cấu và toàn bộ nội dung của Luật, cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu tham dự tập trung phát biểu và còn có quan điểm khác nhau.Việc xây dựng dự án Luật với tên gọi Luật biên phòng Việt Nam và mở rộng phạm vi điều chỉnh (so với Pháp lệnh bộ đội biên phòng) là phù hợp với Nghị quyết 33 của Bộ chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, phù hợp với tên gọi trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, với tên gọi và phạm vi điều chỉnh như đã xác định thì Luật cần quy định một cách tổng thể tất cả các vấn đề liên quan đến biên phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rà soát thật kỹ, đánh giá đầy đủ các quy định hiện hành về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới để phân định rành mạch phạm vi điều chỉnh của luật này và Luật biên giới quốc gia và các Luật khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Hải Hưng phát biểu kết luận phiên họp

Đối với những nội dung thảo luận tại Phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có dự kiến những nội dung nào sẽ tiếp thu, nội dung nào cần giải trình để gửi kèm tài liệu báo cáo ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra sơ bộ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới.  

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết: các ý kiến góp ý, thảo luận tại phiên họp sẽ được Ủy ban tổng hợp đầy đủ và nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 43 tới./.

Bảo Yến