Trình bày dự thảo báo cáo kết quả dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Thiếu tướng Trần Ngọc Khánh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật.
Thiếu tướng Trần Ngọc Khánh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh trình bày dự thảo báo cáo kết quả dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Cụ thể, về bố cục dự thảo Luật, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất bổ sung các quy định liên quan đến Cơ sở dữ liệu Quốc qua về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, quản lý, sử dụng các loại hộ chiếu… điều chỉnh bố cục của dự thảo Luật từ 6 chương 40 điều lên thành 8 chương 50 điều.
Về cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị quy định cụ thể, tách bạch đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cơ quan, người có thẩm quyền cử, cho phép, quyết định để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, quy định này vừa đảm bảo bao quát, đầy đủ, sát với thực tiễn, chặt chẽ về mặt kỹ thuật văn bản, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và có tính ổn định cao.
Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, công dân Việt Nam khi xuất cảnh ra nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài luôn được tạo điều kiện thuận lợi để nhập cảnh về nước và không bị hạn chế bất kỳ trước hợp nào, phù hợp với Tuyên ngôn quốc tế và nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đều đã khẳng định quyền trở về của công dân không bị hạn chế. Do đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không hạn chế quyền nhập cảnh của công dân trong bất kỳ trường hợp nào.
Đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”, “Người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án” và “Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh và chữa bệnh”.
Quang cảnh phiên họp
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị lược bỏ quy định “Người có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”, vì nội dung quá rộng, thời hạn chấp hành ngắn (10 ngày) và nếu bị tạm hoãn xuất cảnh (tước quyền công dân) thì quá nghiêm khắc, không cần thiết. Đối với người liên quan đến vụ án đang trong quá trình điều tra mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, đủ căn cứ thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và đương nhiên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Đối với người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đóng bảo hiểm xã hội, công dân thuộc diện gọi thực hiện nghĩa vụ của quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt thì đề nghị không nên tạm hoãn xuất cảnh, vì cho rằng đối tượng quá rộng, bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho chính họ; nghĩa vụ của quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt cần phát huy ý thức tự giác chấp hành, không nên ép buộc và tước quyền công dân khi không chấp hành. Đối với các điều khoản liên qua đến bí mật nhà nước, bí mật nghiệp vụ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
Về trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài thuộc nhiệm vụ lãnh sự đã được quy định trong Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Đại tá Trần Văn Dự, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) thay mặt ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu
Tại phiên họp, nhiều ý kiến tán thành với những tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị cần rà soát lại các đối tượng được cấp hộ chiều ngoại giao; quy định cụ thể đối với dữ liệu của hộ chiếu ngoại giao công vụ để bảo vệ bí mật tuyệt đối; hộ chiếu gắn chịp điện tử, quy định rõ hành vi qua lại cửa khẩu biên giới…
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đề nghị ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Về cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra, Bộ Ngoại giao rà soát lại phạm vi, danh mục, đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ cho đồng bộ để đúng quy định, đúng chính sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt kết luận buổi làm việc
Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt yêu cầu rà soát để quy định cho hiệu quả, thiết thực, đúng với Luật Tổ chức chính phủ, làm rõ đơn vị nào chủ trì, khi nào chủ trì, khi nào phối hợp. Quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh trong dự thảo Luật cũng chưa được logic, cần tập trung chỉnh sửa. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo rà soát lại về kỹ thuật lập pháp, tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 35 tới đây./.