Phóng viên: Việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam sẽ khắc phục được những hạn chế, đáp ứng được những yêu cầu gì nhằm đảm bảm an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, thưa Phó Tư lệnh?
Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng được xây dựng năm 1997. Sau hơn 20 năm qua, tổng kết Pháp lệnh đã góp phần rất quan trọng đối với công tác quản lý, bảo vệ biên giới.
Song trong 20 năm qua, Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách về công tác quản lý biên giới đã thay đổi. Đặc biệt năm 2013 đã có Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật khác đã ra đời liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới do đó yêu cầu phải xây dựng Luật Biên phòng để khắc phục những tồn tại, bất cập trên. Đặc biệt năm 2019 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, trong đó xác định nhân dân là chủ thể trong quản lý, bảo vệ biên giới. Lực lượng vũ trang là nòng cốt. Bộ đội biên phòng là chuyên trách. Công tác quản lý, bảo vệ biên giới là sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị trong đó Biên phòng là lực lượng chuyên trách, nòng cốt.
Từ tình hình đó phải xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam để đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ và xây dựng biên giới trong tình hình mới. Luật Biên phòng Việt Nam ra đời sẽ khắc phục những bất cập trong vấn đề trên.
Phóng viên: Về tên gọi của luật, dự thảo Luật xác định phạm vi điều chỉnh, vị trí chức năng của công tác Biên phòng Việt Nam nói chung hay của lực lượng Biên phòng?
Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: Trên cơ sở Pháp lệnh Bộ độ Biên phòng và trong Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã xác định sớm đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam. Luật Biên phòng Việt Nam phạm vi điều chỉnh sẽ rộng hơn nhiều so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, còn luật Biên phòng Việt Nam là một lĩnh vực trong quản lý, bảo vệ và xây dựng biên giới quốc gia, quy định nhiệm vụ cho các lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ biên giới, trong đó quy định cả thệ thống chính trị tham gia quản lý,bảo vệ biên giới, lực lượng vũ trang là nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là chuyên trách và quy định các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia hoạt động trên khu vực biên giới đều có trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ biên giới.
Phóng viên: Quyền hạn của Bộ đội Biên phòng được Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định như thế nào để không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia, thưa Phó Tư lệnh?
Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: Hoạt động trong khu vực biên giới gồm có nhiều lực lượng, trong đó có Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, lực lượng giao thông và cấp ủy chính quyền địa phương, các cấp các ngành, nhưng mỗi lực lượng đều có chức năng, nhiệm vụ khác nhau và đều được quy định trong các luật chuyên ngành. Ví dụ như Công an được quy định trong Luật Công an nhân dân, Cảnh sát biển được quy định trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Hải quan được quy định trong Luật Hải quan…
Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng:
Bộ đội Biên phòng hoạt động trong khu vực biên giới, nhiệm vụ đã được quy định trong Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng cũng như trong các văn bản của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị và hiện nay Bộ đội Biên phòng được xác định nhiệm vụ trong Luật Biên phòng Việt Nam sẽ không chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng khác. Mỗi lực lượng có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong giữ gìn an ninh biên giới, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ hệ thống đường biên, cột mốc và quan hệ đối ngoại với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới nước láng giếng để góp phần cho quản lý, bảo vệ, xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị.
Phóng viên: Vậy trách nhiệm, nhiệm vụ của các cơ quan, lực lượng phối hợp được quy định như thế nào trong dự thảo Luật?
Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: Như tôi đã nói ở trên, hoạt động ở khu vực biên giới có rất nhiều lực lượng. Các lực lượng đều phải có chức năng, nhiệm vụ và đều phải có trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ biên giới, trong đó xác định có 3 lực lượng là lực lượng chuyên trách, đó là lực lượng của Quân đội nhân dân, lực lượng của Công an nhân dân và lực lượng của Bộ ngoại giao. Cấp ủy, chính quyền địa phương có trách nhiệm trong xây dựng biên giới. Cho nên trong luật sẽ quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, trong đó có lực lượng chuyên trách, lực lượng nòng cốt, lực lượng tham gia trong khu vực biên giới. Nói tóm lại, các lực lượng đều phải có trách nhiệm nhưng phạm vi, mức độ được quy định khác nhau trong Luật.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn Phó Tư lệnh!