UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TÁN THÀNH VIỆC THÀNH LẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH THUỘC TỈNH VĨNH PHÚC

07/02/2018

Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 21, sáng ngày 07/02, tại phòng họp Tân Trào - Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, sau khi xem xét, thảo luận, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí với 100% các ý kiến biểu quyết tán thành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc thành lập 2 phường thuộc thị xã Phúc Yên và thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo niêm giám thống kê năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc có 1.235,3 km2 diện tích tự nhiên và dân số khoảng 1.066.000 người, 09 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện), 137 đơn vị hành chính cấp xã (112 xã, 13 phường và 12 thị trấn). Thị xã Phúc Yên 120,13 km2 diện tích tự nhiên, 155.435 người và 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (06 phường và 04 xã).

Về sự cần thiết thành lập, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: sự phát triển kinh tế - xã hội của hai xã trong những năm gần đây có những chuyển biến căn bản: cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm mạnh, kéo theo sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu lao động. Hiện tại, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên địa bàn xã Tiền Châu chiếm 81,87%, xã Nam Viêm chiếm 83,97% tổng số lực lượng lao động. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, sinh hoạt của người dân đã theo nếp sống văn minh đô thị và không có sự cách biệt với các phường nội thị. Những thay đổi về kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hoá đã, đang đặt ra cho các xã này nhiều vấn đề cấp thiết trong quản lý cần giải quyết như: quản lý kinh tế; quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quản lý dân cư; phòng chống các tệ nạn; bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường.

Vì vậy, mô hình quản lý chính quyền nông thôn như hiện nay không còn phù hợp, do đó cần thiết thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị.

Đối với thị xã Phúc Yên, những năm qua, thị xã đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2014 - 2016 là 14,42%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2016: Công nghiệp - xây dựng: 90,93%; thương mại, dịch vụ: 8,5%; nông, lâm, ngư nghiệp: 0,57%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 75,2 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,55 lần bình quân cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn thị xã đạt cao (năm 2016 là 22.799 tỷ đồng), trở thành một trong những đơn vị cấp huyện dẫn đầu trong cả nước. Cân đối thu - chi ngân sách hàng năm đều có dư...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình của Chính phủ

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị trên địa bàn thị xã đã tác động lớn đến đời sống cũng như sinh hoạt của nhân dân. Quan hệ sản xuất, văn hóa sinh hoạt, văn minh đô thị, quan hệ giao dịch hành chính... của người dân đã chuyển sang môi trường đô thị hiện đại hơn. Từ đó, đặt ra yêu cầu mới đối với công tác quản lý hành chính lãnh thổ, cần có bộ máy chính quyền của đô thị có trình độ phát triển cao hơn, đủ năng lực để tổ chức, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, với hàng loạt vấn đề bất cập mới nảy sinh như: quản lý kinh tế đô thị, quản lý kiến trúc cảnh quan và môi trường đô thị; phòng chống tệ nạn xã hội...

Do vậy, việc thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc là cần thiết để tạo tiền đề pháp lý và tạo điều kiện cho thị xã hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn. Việc thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát huy mạnh mẽ chức năng đô thị trung tâm công nghiệp - thương mại - dịch vụ, du lịch của tỉnh; tạo thương hiệu thu hút đầu tư trong và ngoài nước góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo động lực mới lan tỏa, thúc đẩy tiến trình đô thị hóa của cả tỉnh Vĩnh Phúc.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho biết: về Hồ sơ, thủ tục thành lập đã đáp ứng đủ theo quy định, cụ thể là Đề án đã được lấy ý kiến cử tri của 02 xã đề nghị thành lập phường và thị xã Phúc Yên (có 93,17% tổng số cử tri xã Tiền Châu nhất trí với việc thành lập phường Tiền Châu; có 94,1% tổng số cử tri xã Nam Viêm nhất trí với việc thành lập phường Nam Viêm và 94,41% tổng số cử tri thị xã Phúc Yên nhất trí với việc thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, kết quả lấy ý kiến cử tri đã được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Chính phủ); Đề án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân thị xã Phúc Yên và Hội đồng nhân dân cấp xã của thị xã Phúc Yên thông qua và tán thành về chủ trương thành lập 02 phường và thành phố. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có Tờ trình số 27/TTr-UBND ngày 06/02/2017 và Tờ trình số 254/TTr-UBND ngày 06/9/2017 báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và Tờ trình số 5360/TTr-BNV ngày 06/10/2017 của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã biểu quyết thông qua Đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra

Thay mặt Ủy ban Pháp luật (UBPL) trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định cho biết: Ngày 29/01/2018, Ủy ban Pháp luật đã họp phiên toàn thể để thẩm tra Đề án số 546/ĐA-CP của Chính phủ về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (gọi tắt là Đề án) theo Tờ trình số 545/TTr-CP ngày 21/11/2017. Tham dự phiên họp có đại diện các cơ quan: Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, UBND thị xã Phúc Yên.

UBPL nhận thấy, việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm và thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là cần thiết, phù hợp với quy hoạch chung, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa cao, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Xã Tiền Châu, xã Nam Viêm và thị xã Phúc Yên đã cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện thành lập phường và thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại III được quy định tại Nghị quyết số 1211 và Luật Tổ chức CQĐP.

Việc thành lập 02 phường và thành phố Phúc Yên không làm tăng đơn vị hành chính, không phát sinh thêm bộ máy và không tăng biên chế mà sẽ tạo cơ sở pháp lý để góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở địa phương. Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đã đáp ứng đủ quy định của pháp luật. Những vấn đề được UBPL nêu ra tại phiên họp thẩm tra đã được Chính phủ tiếp thu, giải trình đầy đủ, cụ thể.

Sau khi thảo luận, UBPL đã lấy phiếu biểu quyết của các thành viên, có 29/29 (100%) thành viên UBPL dự phiên họp thẩm tra tán thành với việc trình UBTVQH xem xét thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm và thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của UBPL, sau khi xem xét, thảo luận, 100% thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí tán thành việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm và thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Như vậy, việc thành lập phường Tiền Châu trên cơ sở toàn bộ 7,14 km2 diện tích tự nhiên và 12.689 người của xã Tiền Châu. Thành lập phường Nam Viêm trên cơ sở toàn bộ 5,88 km2 diện tích tự nhiên và 8.489 người của xã Nam Viêm. Thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở toàn bộ 120,13 km2 diện tích tự nhiên, 155.435 người và 10 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Phúc Yên (sau khi thành lập 02 phường Tiền Châu và Nam Viêm).

Kết quả sau khi thành lập 02 phường và thành phố, thành phố Phúc Yên có 120,13 km2 diện tích tự nhiên, 155.435 người và 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 08 phường (Trưng Trắc, Trưng Nhị, Hùng Vương, Phúc Thắng, Xuân Hòa, Đồng Xuân, Tiền Châu, Nam Viêm) và 02 xã (Ngọc Thanh, Quang Minh). Tỉnh Vĩnh Phúc giữ nguyên số lượng đơn vị hành chính cấp huyện (09 đơn vị) và cấp xã (137 đơn vị) nhưng có chuyển 01 thị xã thành 01 thành phố (từ 01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện thành 02 thành phố và 07 huyện) và chuyển 02 xã thành 02 phường (từ 13 phường, 12 thị trấn và 112 xã thành 15 phường, 12 thị trấn và 110 xã).

Quang Minh