Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng… cùng các thành viên Ủy ban Pháp luật.
Trong phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu rõ, ở nước ta, từ khi đất nước hoàn thành thống nhất tới nay, các đơn vị hành chính (ĐVHC) đã có nhiều lần thay đổi lớn. Đối với ĐVHC nói chung và các ĐVHC cấp huyện, xã nói riêng thì sự biến động thường xuyên này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của nhân dân. Để khắc phục những bất cập, hạn chế của việc chia, tách các ĐVHC trong thời gian qua, tại, Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Để thực hiện chủ trương của Đảng và tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021 là cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Tờ trình
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, mục tiêu xây dựng Dự thảo Nghị quyết sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã nhằm tổ chức hợp lý các ĐVHC các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; đảm bảo thể chế về ĐVHC; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Dự thảo Nghị quyết gồm 03 Chương và 18 Điều. Theo đó, quy định về đối tượng áp dụng; căn cứ thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã; tiêu chuẩn của ĐVHC cấp huyện, cấp xã; áp dụng tiêu chuẩn về số ĐVHC trực thuộc của ĐVHC cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chuẩn của ĐVHC đô thị khi thực hiện sắp xếp; thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
Cho ý kiến về Tờ trình Dự thảo Nghị quyết tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã với những lý do nêu trong Tờ trình. Căn cứ vào quy định tại Điều 146 và khoản 1 Điều 147 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban tán thành việc ban hành Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hồ sơ của Dự thảo Nghị quyết đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Phiên họp
Qua thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật tán thành với tên gọi, nội dung và bố cục của Dự thảo. Ủy ban nhận thấy, sắp xếp ĐVHC là công việc rất hệ trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định chính trị-xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt là tâm tư, nguyện vọng của người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các ĐVHC thuộc diện sắp xếp. các quan điểm, mực tiêu của việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã được xác định rõ ràng trong Nghị quyết của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội. Vì vậy, Nghị quyết này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ là các quy định khung, có tính nguyên tắc nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp các ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định; trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc thì Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho từng địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong từng đề án cụ thể.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ sự tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Theo đó, năm 2019 cơ bản sắp xếp các đối tượng chưa đủ cả hai yếu tố là quy mô dân số và diện tích tự nhiên, tuy nhiên cũng cần cân nhắc thận trọng các yếu tố khác. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Tờ trình Dự thảo cần có một số quy định mang tính nguyên tắc, sau đó giao chi tiết cho Chính phủ, các đơn vị cụ thể; đề nghị cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật văn bản của Dự thảo Nghị quyết./.